TP.HCM thành 'thiên đường mua sắm', bao giờ?

02/04/2024 13:38 GMT+7

Từ tháng 4.2019 khi đại dịch Covid-19 chưa càn quét thế giới, TP.HCM đã rục rịch xây dựng đề án đưa thành phố trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, mục tiêu này vẫn còn bỏ ngỏ, ngành du lịch thành phố vẫn chật vật tìm cách 'móc hầu bao' du khách.

Sự kiện tập đoàn du lịch hàng đầu Trung Quốc đến TP.HCM ký kết hợp tác nghiên cứu xây dựng khu trung tâm thương mại miễn thuế mục tiêu đưa hàng triệu khách Trung qua Việt Nam tiêu tiền một lần nữa hâm nóng tham vọng trở thành "thiên đường mua sắm" của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

TP.HCM thành 'thiên đường mua sắm', bao giờ?- Ảnh 1.

TP.HCM còn dư địa lớn để khai thác du lịch mua sắm

NHẬT THỊNH

Mảnh đất màu mỡ còn bỏ ngỏ

"Ba trung tâm thương mại miễn thuế được mở tại 3 điểm đến hàng đầu sẽ thu hút khoảng 20 triệu khách Trung Quốc tới Việt Nam mỗi năm. Đây đều là những dòng khách cao cấp, chi tiêu nhiều, góp phần điều chỉnh cơ cấu, giúp Việt Nam đón được nguồn khách hạng sang từ thị trường này" - tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhấn mạnh tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (CTG) về việc mở 3 cửa hàng miễn thuế tại TP.HCM, TP.Móng Cái và TP.Nha Trang.

Không phải đến bây giờ lãnh đạo TP.HCM mới bắt đầu quan tâm tới du lịch mua sắm. Từ đầu năm 2019, UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng đề án để thành phố trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước. 

Số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển thời điểm đó cho thấy, thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế thành phố nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại thì việc phát triển ngành thương mại tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố.

Nhưng gián đoạn bởi dịch bệnh, tới 2021 đề án mới tiếp tục được đưa ra bàn luận với mục tiêu xây dựng TP.HCM nhanh chóng trở thành trung tâm mua sắm - thương mại khu vực và cả nước giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới xứng tầm khu vực châu Á giai đoạn 2026 - 2030. Thế nhưng, đến nay đã gần bước sang năm cuối cùng của giai đoạn 1, TP.HCM vẫn mờ nhạt trên bản đồ du lịch mua sắm khu vực Đông Nam Á.

Khu mua sắm nổi tiếng là chợ Bến Thành nhưng chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng "fake", hàng Trung Quốc kém chất lượng. Thành phố cũng có những tuyến đường hàng hiệu như Đồng Khởi, những phố shopping phân khúc từ tầm thấp đến tầm trung như Nguyễn Trãi; hàng trăm cơ sở mua sắm được cấp biển hiệu dịch vụ mua sắm đạt chuẩn du lịch, có hoàn thuế VAT cho du khách... nhưng từng phân khúc không được tổ chức bài bản, hoạt động rời rạc nên không tạo ra hiệu ứng.

TP.HCM thành 'thiên đường mua sắm', bao giờ?- Ảnh 2.

"Trận địa" hàng hiệu gần như còn đang bỏ trống trong cơ cấu du lịch mua sắm tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Sẽ có những khu phức hợp quy mô "khủng" cho khách tới tiêu tiền

Theo Hiệp hội Các thành phố du lịch thế giới (WTCF), quy mô ngành du lịch mua sắm đạt 61 tỉ USD năm 2022, trong đó Hàn Quốc nắm giữ 16 tỉ USD. Các nước châu Á - Thái Bình Dương chiếm giữ 53% thị phần của thị trường du lịch mua sắm thương mại nhưng tỷ trọng mua sắm của Việt Nam chỉ đạt vài trăm ngàn USD. "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn ví von con số của Việt Nam chỉ bằng "giọt nước" so với mặt bằng chung.

 "Không có mua sắm thì không thể phát triển được du lịch và kinh tế đêm. Hàng hiệu mới là lĩnh vực chúng ta còn nhiều dư địa, nhất là với TP.HCM. Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ là thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua cùng chiến lược mời gọi doanh nghiệp quốc tế hợp tác. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng với quy mô 100 triệu khách/năm, trở thành hub của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp như IPPG đã đàm phán với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, tại Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố thì TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là "thỏi nam châm" hút khách quốc tế tới tiêu tiền" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.

Vua hàng hiệu kỳ vọng: Trong quy mô 61 tỉ USD mà WTCF tính toán, chúng ta phải xây dựng kế hoạch ngay từ bây giờ để chiếm được 10 tỉ USD. 10 tỉ USD rất lớn, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, tiêu dùng. Thay vì tập trung vào nghề nghiệp mang lại thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, chúng ta cần tập trung ưu tiên phát triển ngành nghề mang lại doanh thu cao để đạt mức thu nhập của một quốc gia phát triển vào năm 2045 như kế hoạch đã đề ra. "Thái Lan, Singapore, Malaysia đã sắp tới mức trần rồi, trong khi chúng ta còn dư địa rất nhiều. TP.Thủ Đức còn hàng trăm ngàn héc ta đất chưa khai thác. "Ông trùm" kinh doanh hàng miễn thuế của Trung Quốc cũng đã tới tận nơi rồi, còn gì để chần chừ? TP.HCM phải có trung tâm thương mại, cửa hàng cao cấp", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

TP.HCM thành 'thiên đường mua sắm', bao giờ?- Ảnh 3.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của mua sắm miễn thuế đối với việc “tiếp sức” cho du lịch

NHẬT THỊNH

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng cho rằng, du lịch mua sắm được xác định là một trong những phân khúc sản phẩm chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngành du lịch thành phố. Để tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các hệ thống mua sắm, siêu thị, trung tâm thương mại miễn thuế, đặc biệt là các khu phức hợp quy mô lớn mà ở đó không chỉ có nghỉ dưỡng mà có cả các hoạt động mua sắm, văn hóa, giải trí, ẩm thực... 

Định hướng đó hiện tại đang được các sở, ngành phối hợp để xác định cụ thể những khu vực có thể phát triển các trung tâm quy mô lớn này, các khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố… ngay từ khâu quy hoạch chung.

"Sở Du lịch sẽ có tham mưu để UBND TP có những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; có cơ chế huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án mang tính chiến lược phát triển du lịch mua sắm. Giai đoạn hiện nay rất thuận lợi khi thành phố có Nghị quyết 98 của Quốc hội, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên lĩnh vực kinh tế nói chung và du lịch nói riêng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin thêm.

Muốn trở thành trung tâm thương mại mang tầm khu vực thì trước tiên thành phố phải có hạ tầng và hàng hóa dồi dào. TP.HCM đang là nơi tập trung gần như tất cả hàng hóa, ẩm thực của cả nước nhưng vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng riêng, mang dấu ấn riêng. Phải có đánh giá và giải pháp xây dựng sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, đang rất thiếu những trung tâm chuyên doanh phục vụ cho từng nhóm khách hàng. Ví dụ khách quốc tế muốn mua sản phẩm nội địa thì cần có trung tâm giới thiệu và mua sắm dành cho khách quốc tế; các cửa hàng hoàn thuế cho khách nước ngoài ở bên ngoài khu vực sân bay.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.