TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết tăng 19% so với trung bình 4 tuần trước

Lê Cầm
Lê Cầm
20/08/2023 08:19 GMT+7

Số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn có xu hướng tiếp tục tăng, HCDC khuyến cáo người dân cần thực hiện biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không cho muỗi đốt, không cho muỗi đẻ, không cho muỗi ở.

Ngày 19.8, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong tuần 32 (từ 7.8 -13.8), TP.HCM ghi nhận có 350 ca bệnh sốt xuất huyết gồm 153 ca nội trú và 197 ca ngoại trú, tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước là 294 ca. Trong đó, số ca nội trú tăng 9,9% và ngoại trú tăng 27,5%. Số ca mắc tích lũy đến tuần 32 là 10.280 ca, giảm 74,3% so cùng kỳ năm 2022 là 39.954 ca.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh.

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết tăng 19% so với trung bình 4 tuần trước - Ảnh 1.

Con đường lây truyền sốt xuất huyết

HCDC

Dấu hiệu và cách theo dõi tình trạng sốt xuất huyết

Theo HCDC, dấu hiệu quan trọng nhất trong bệnh sốt xuất huyết là sốt. Chúng ta cần xác định chính xác thời gian sốt xuất hiện và phải đo bằng nhiệt kế để xác định. Sốt của sốt xuất huyết có đặc điểm là sốt cao 39 - 40 độ C liên tục, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu kèm theo như đau nhức mình mẩy, đau đầu, đau sau hốc mắt, người uể oải, khó chịu, chán ăn, buồn nôn, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết,… Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm.

Người bệnh sốt xuất huyết có thể được theo dõi tại nhà hoặc tại bệnh viện. Điều này sẽ được bác sĩ quyết định khi thăm khám. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Khi theo dõi người bệnh tại nhà, chúng ta cần lưu ý một số dấu hiệu sau để kịp thời đưa đến bệnh viện. Các dấu hiệu bao gồm nôn ói nhiều, đau bụng, có biểu hiện chảy máu chân răng, mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ, lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn, khó thở, thở nhanh, trẻ em có biểu hiện bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù hết sốt.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không cho muỗi đốt, không cho muỗi đẻ, không cho muỗi ở. Trong đó, quan trọng nhất là không cho muỗi đẻ thông qua hoạt động tìm và triệt nơi sinh sản của muỗi vằn.

Muỗi vằn cái chích, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Do đó cần phòng muỗi đốt bằng các biện pháp như diệt muỗi bằng vợt điện, bình xịt hoặc nhang diệt muỗi, kem chống muỗi, phun hóa chất diệt muỗi, ngủ mùng kể cả ban ngày.

Khi ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi thì mọi người dân cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế thực thi nhiệm vụ.

Muỗi vằn đẻ trứng ở các vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch, trong và xung quanh nhà như bể nước, chum,vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây…; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, chén nước kê tủ bếp, vỏ xe đã qua sử dụng, vỏ dừa, xô chậu, lọ trồng cây thủy sinh.

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết tăng 19% so với trung bình 4 tuần trước - Ảnh 2.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn

HCDC

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Cần thường xuyên dọn dẹp các khu vực này để không làm nơi cho muỗi trú đậu, ở trong nhà. Bên cạnh đó, có thể làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ, cửa thông gió để muỗi không bay vào.

Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được như: vải, nylon, lưới chống muỗi, nhựa, gỗ… và phải đảm bảo đậy kín không có khe hở để muỗi bay vào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.