TP.HCM: Số ca đau mắt đỏ gia tăng sau thời điểm nhập học

Lê Cầm
Lê Cầm
07/09/2023 15:44 GMT+7

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 71.740 lượt khám đau mắt đỏ, đặc biệt từ sau thời điểm học sinh nhập học, số ca đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca khám đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng sau thời điểm nhập học. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 70-80 ca đau mắt đỏ. So với tháng trước đó, con số này ở mức 40-50 ca/ngày, tức tăng khoảng 60-75%.

BÁO ĐỘNG: Hơn 71.000 lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nếu trong khoảng cuối tháng 8.2023 chưa ghi nhận ca khám đau mắt đỏ thì đến nay số ca đến khám mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng 3-5 ca/ngày.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số lượt khám viêm kết mạc tính từ ngày 1.1.2023 cho đến nay là 71.740 lượt. Đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn.

Lây chủ yếu qua đường tiếp xúc

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh đau mắt đỏ chủ yếu lây qua đường tiếp xúc nên khi trong lớp có một ca đau mắt đỏ thường sẽ lây cho các bạn trong lớp. Sau đó các bạn nhỏ về nhà sẽ lây cho người thân trong gia đình, từ đó có thể gây gia tăng dịch bệnh.

"Các triệu chứng phát hiện sớm đau mắt đỏ là cộm, ngứa mắt, đổ ghèn... Do đó phụ huynh khi thấy các dấu hiệu sớm trên cần chú ý cho bé sử dụng đồ dùng riêng, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác, vệ sinh cá nhân sạch sẽ đặc biệt là tay, mắt... Khi có dấu hiệu sưng đỏ cần thăm khám để được điều trị kịp thời", bác sĩ Chính chia sẻ.

TP.HCM: Số ca đau mắt đỏ gia tăng sau thời điểm nhập học - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa trẻ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2

LÊ CẦM

Theo bác sĩ Chính, đau mắt đỏ nếu không điều trị để lâu có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Trong số các trẻ đến khám tại bệnh viện, có trường hợp viêm kết mạc giả mạc. Sau khi thăm khám và được dùng thuốc, đến nay trẻ đã khỏi.

"Khi trẻ bị đau mắt đỏ có dấu hiệu sưng đỏ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để có chỉ định điều trị kịp thời. Không nên chủ quan để lâu hoặc tự ý mua thuốc, nhỏ thuốc cho trẻ, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng thị lực trẻ", bác sĩ Chính khuyến cáo.

Xem nhanh 12h ngày 7.9:Hơn 71.000 lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM

Các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ

Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus) là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng trên địa bàn thành phố trong những ngày gần đây, bên cạnh các khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP.HCM để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.