TP.HCM quy hoạch lại việc sử dụng vỉa hè

22/02/2023 05:47 GMT+7

TP.HCM xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào, và việc quản lý ra sao.

Hiện việc quản lý lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM thực hiện theo Quyết định 74/2008 của UBND TP.HCM, nhưng theo Sở GTVT TP.HCM, quyết định này đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

TP.HCM quy hoạch lại việc sử dụng vỉa hè  - Ảnh 1.

Nhà hàng, quán nhậu trên đường Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) bày bàn ghế tràn lan chiếm hết lối của người đi bộ

Nhật Thịnh

Theo đề án của Sở GTVT TP, để sử dụng tạm thời vào mục đích khác, vỉa hè phải đảm bảo dành ít nhất 1,5 m cho người đi bộ, đối với lòng đường thì phần còn lại có bề rộng bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông. Hiện TP.HCM có hơn 14.000 tuyến đường. Dự thảo đề án quy định các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè do UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện xem xét cấp phép; đối với hoạt động sử dụng lòng đường thì do Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện cấp phép theo thẩm quyền quản lý từng tuyến đường...

Trước khi Sở GTVT có đề án "Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố" thì UBND Q.3 cũng đã nhiều lần kiến nghị sớm có quy định thay thế Quyết định 74/2008 theo hướng cho phép thu phí lòng đường, vỉa hè.

Ông Lê Anh Tuấn Kiệt, Phó đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị Q.3, cho biết từ năm 2020 Ban Thường vụ Quận ủy Q.3 có chủ trương nghiên cứu thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ khó khăn.

Phương án của Q.3 là kẻ vạch trên vỉa hè cho phép người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng 1,5 m tính từ mép nhà để làm nơi đậu xe. Tuy nhiên, hiện người dân được sử dụng phần vỉa hè này mà chưa phải nộp khoản phí nào.

Đối với đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè của Sở GTVT, ông Kiệt đồng tình và lý giải "dù không thu phí thì người dân cũng sử dụng mà nhà nước không thu được đồng nào". Với sự chuẩn bị trước của Q.3, ông Kiệt cho hay nếu đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố của Sở GTVT được thông qua thì địa phương có thể áp dụng ngay.

Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, có một số tuyến đường cần tạo điều kiện sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường như khu vực thương mại, dịch vụ. Ông Khang cho biết quận đang chờ hướng dẫn của TP và dự kiến có thể triển khai ở các tuyến đường động lực thương mại như Quang Trung, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị… có vỉa hè rộng. Việc thu phí chỉ áp dụng với một số vị trí cụ thể, thông báo công khai để người dân biết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè là công tác quy hoạch. Từ đó, TP sẽ xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao. "Có những nơi, vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác", ông Mãi nói và cho biết đã giao Sở GTVT nghiên cứu vấn đề này. Trên cơ sở quy hoạch và phân định rõ chức năng của vỉa hè, lòng đường, chính quyền cơ sở sẽ quản lý, giám sát; nếu buông lỏng sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Sắp xếp tạm thời giải quyết việc làm cho người dân

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 22 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.

Thành ủy TP.HCM yêu cầu tăng cường quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ và tiếp cận giao thông công cộng; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe, trung chuyển vật liệu xây dựng... Đồng thời, có biện pháp sắp xếp khu vực tạm sử dụng để mua bán, giải quyết việc làm cho người dân và có chế tài các trường hợp vi phạm. Chỉ thị cũng đề cập yêu cầu xây dựng thêm các tuyến đường đi bộ tại khu vực trung tâm TP tạo không gian sinh hoạt chung cho người dân...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.