TP.HCM: Nữ Việt kiều đi cấp cứu sau khi tiêm chất tan mỡ tại spa

Duy Tính
Duy Tính
17/01/2024 09:46 GMT+7

Tiêm chất tan mỡ gặp biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng, dù được cảnh báo thế nhưng nhiều người vẫn chọn phương pháp này làm đẹp.

Ngày 17.1, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, vừa xảy ra trường hợp một Việt kiều bị biến chứng sau khi tiêm chất tan mỡ tại một cơ sở thẩm mỹ đóng trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, khoảng 11 giờ ngày 13.1, nữ bệnh nhân J.D (39 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ Q.Tân Bình) đến cơ sở thẩm mỹ IC International Luxury Beauty Clinic & Spa, 46 Hoàng Trọng Mậu (Q.7) để làm đẹp tiêm chất tan mỡ.

Nữ bệnh nhân được tiêm chất tan mỡ (không rõ loại thuốc) vào hai bên bắp chân, đùi, cánh tay, bụng, lưng và đánh tan mỡ khoảng 15 phút.

TP.HCM: Nữ Việt kiều đi cấp cứu sau khi tiêm chất tan mỡ tại spa- Ảnh 1.

Một ca biến chứng nặng do tiêm chất tan mỡ năm 2021 được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

DUY TÍNH

Cách nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân cảm thấy mệt nhiều, đau nhức vết bầm toàn thân, thở mệt. Sau đó, bệnh nhân nhập cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tình trạng bệnh nhân khi vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tỉnh táo, mạch và huyết áp bình thường.

Bệnh nhân được ghi nhận có nhiều vết bầm da, chấm xuất huyết nơi tiêm tan mỡ ở mặt sau cẳng chân 2 bên, đùi 2 bên, bụng, cánh tay 2 bên, lưng. Đau nhức cơ toàn thân, nhịp tim đều, phổi thông khí đều 2 bên, bụng mềm.

Sau khi thực hiện hội chẩn với các chuyên khoa liên quan, bệnh nhân được chỉ định nhập khoa Tạo hình thẩm mỹ để tiếp tục theo dõi điều trị.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị tổn thương phần mềm vùng bụng, đùi, cẳng tay 2 bên sau tiêm chất tan mỡ không rõ loại.

Năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân biến chứng nguy kịch sau tiêm thuốc tan mỡ bụng.

Đây là ca biến chứng thẩm mỹ nhập viện trong vòng 10 ngày qua tại TP.HCM, trong đó có 1 ca tử vong.

Theo TS-BS Ngô Quốc Hiệp, Trưởng khoa bỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc tan mỡ thành phần chính là phosphatidylcholine (PPC) được hòa tan nhờ deoxycholate (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.

Năm 1975, 3 vị bác sĩ người Đức công bố nghiên cứu "viêm phổi sau thuyên tắc béo được điều trị bằng Lipostabil" và khẳng định thuốc thiếu an toàn, hiệu quả kém. Nhưng thuốc vẫn lưu hành ở một số nước châu Âu để điều trị sử dụng thuyên tắc phổi do rối loạn mỡ và rối loạn lipid máu.

Khi tan thuốc Lipostabil vào mô mỡ thì sẽ dần phá hủy tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng huyết tương. Tuy nhiên, nó bên cạnh phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ, sẽ giải phóng ra triglyceride chất béo ở dạng nhũ tương. Cơ thể giải quyết lượng nhũ tương ấy bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính đến "ăn" phần nhũ tương và các tế bào chết. Như vậy, sẽ có một lượng lớn các hạt mỡ nằm trong các bạch cầu và đại thực bào đi vào máu, rồi đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, biện pháp ấy của cơ thể không thể giải quyết ngay được một số lượng lớn triglyceride ứ đọng. Do đó sẽ tạo u mỡ tại chỗ, viêm mô tế bào, sẹo vĩnh viễn, đau nhức, thậm chí hoại tử da, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ.

Theo TS-BS Hiệp, lợi dụng đặc điểm của Lipostabil, một số cơ sở săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" làm tan mỡ.

Năm 2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Úc… cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Theo FDA, mọi hành vi quảng cáo, mua bán, lưu hành Lipostabil (thuốc tan mỡ) trên lãnh thổ Mỹ đều bị coi là chống lại luật pháp Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.