TP.HCM: Nên có chế độ khen thưởng cho thẩm phán có án lệ

23/09/2022 19:38 GMT+7

Tại Hội thảo ứng dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM, các chuyên gia và lãnh đạo TAND cấp quận, huyện tại TP.HCM khẳng định TAND TP.HCM có lợi thế phát triển án lệ. Ngoài ra, cần có chế độ khen thưởng cho thẩm phán có án lệ.

Ngày 23.9, TAND TP.HCM phối hợp Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo ứng dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM.

TAND hai cấp TP.HCM có 69 bản án, quyết định có áp dụng án lệ

Phát biểu tại hội thảo, Phó chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải khẳng định, hội thảo là một trong những giải pháp để TAND hai cấp TPHCM thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển bản án, quyết định thành án lệ. Tính đến ngày 18.8, TAND hai cấp TP.HCM có 69 bản án, quyết định có áp dụng án lệ. Trong đó, dân sự 55 bản án, quyết định; hôn nhân gia đình 1 quyết định và kinh doanh thương mại là 13 bản án, quyết định.

Ông Hải nhìn nhận, hầu hết các bản án, quyết định công bố làm án lệ là của TAND cấp cao hoặc TAND tối cao. Việc đề xuất án lệ của TAND tỉnh, thành phố và công tác áp dụng án lệ trong xét xử theo quy định của Nghị quyết 04/2019 còn gặp nhiều khó khăn như: Xác định như thế nào là tình huống tương tự? Án lệ có giá trị tham khảo hay bắt buộc? Cách thức viện dẫn án lệ?

Toàn cảnh hội thảo ứng dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM

SONG MAI

GS-TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM cho biết, ở Việt Nam đã có 56 án lệ được công bố, chủ yếu là án lệ của TAND cấp cao hoặc TAND tối cao và rất hiếm các án lệ của TAND cấp tỉnh, huyện. Trong khi nguồn án ở TP.HCM rất lớn, thư ký tòa, thẩm phán được tiếp cận nhiều hồ sơ, vụ việc; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Họ có thể hiểu những bản án, quyết định nào có thể phát triển thành án lệ để đề xuất.

Theo ông Đại, một bản án, quyết định của bất kỳ tòa án nào cũng có thể trở thành án lệ khi thỏa mãn tất cả tiêu chí, đúng trình tự, thủ tục luật định. TAND cấp tỉnh, huyện có thể đề xuất bản án, quyết định của tòa án khác hay tòa án cấp trên để phát triển thành án lệ. TAND tỉnh, huyện cũng có thể đề xuất bản án, quyết định của chính mình để phát triển thành án lệ.

Thực tế đã có 2 bản án của TAND TP.HCM được phát triển thành án lệ số 22/2018/AL và 23/2018/AL. Vì vậy, TAND TP.HCM và TAND cấp huyện ở TP.HCM nên tận dụng vị trí của mình để phát triển nhiều bản án, quyết định thành án lệ.

Nên khen thưởng thẩm phán có án lệ

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng, án lệ là một nguồn để xét xử và là xu thế của thời đại. Việc hội nhập, khởi kiện những vụ án kinh doanh thương mại, dân sự quốc tế bắt buộc phải có án lệ.

Ông Vinh phân tích, mỗi năm cả nước 300.000 bản án và tại TP.HCM là 60.000 bản án nhưng chỉ có 56 án lệ là quá thấp. Nguyên nhân có thể kể đến là về tâm lý của thẩm phán khi xây dựng bản án không dám sáng tạo trong nhận định. “Vì nếu sáng tạo nhưng cảm giác cấp phúc thẩm không "cảm" vấn đề này sẽ bị sửa án, hủy án ngay”, ông Vinh nói.

Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

SONG MAI

Theo Chánh án TAND TP.Thủ Đức, từ việc sáng tạo theo đúng quy định pháp luật mới ra án lệ, nhưng thẩm phán khi xử án rất bị động. Trước đây là 4% đối với án sửa, 1,5% án hủy nhưng hiện nay, chỉ có 1,5% tỉ lệ án sửa và hủy. Tỷ lệ hủy, sửa bản án tạo cho thẩm phán tâm lý e dè khi xét xử.

Ông Vinh cũng cho rằng, nếu muốn xây dựng 1 kho án lệ mạnh ở Việt Nam thì phải tận dụng 300.000 bản án mỗi năm. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng mong muốn TAND tối cao có chế độ khen thưởng, đãi ngộ với thẩm phán có án lệ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM bày tỏ, các thẩm phán và lãnh đạo tòa quận, huyện trong quá trình nghiên cứu trao đổi, học tập và xét xử các vụ án phải chú ý, xem mỗi bản án đều là án lệ. Vì trong đời thẩm phán có một án lệ là niềm vinh dự. Các thẩm phán phải nắm được các án lệ để mạnh dạn áp dụng vào từng vụ việc, để án lệ đi vào cuộc sống và tăng cường công tác tuyên truyền án lệ đến người dân.

Theo Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.