TP.HCM muốn công bố hết dịch bệnh Covid-19

Duy Tính
Duy Tính
14/12/2023 20:00 GMT+7

TP.HCM đang tiến hành công bố hết dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh này gia tăng số ca mắc tại một số nước. Vậy TP.HCM sẽ làm gì để kiểm soát dịch bệnh Covid-19?

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP.HCM. Mục tiêu đảm bảo kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch Covid-19

Theo tờ trình, đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12.2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan, bùng phát trên khắp thế giới. Đến nay, thế giới đã có trên 696 triệu ca mắc, trong đó có hơn 6,9 triệu ca tử vong.

Tại Việt Nam, ca mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM vào ngày 23.1.2020. Đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc (hơn 99% số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong giai đoạn 2020 - 2022) và hơn 43.000 ca tử vong.

TP.HCM muốn công bố hết dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, TP.HCM đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19

DUY TÍNH

Còn TP.HCM có hơn 600.000 ca mắc Covid-19 và hơn 19.000 ca tử vong. Đa số ca mắc tập trung trong giai đoạn từ cuối tháng 5.2021 - 12.2022.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM hiện đã được kiểm soát. Trong năm 2023, ghi nhận số ca mắc, tử vong giảm sâu, có nhiều tuần không ghi nhận ca mắc mới; tất cả các phường, xã trên toàn TP.HCM đều đạt cấp độ dịch là cấp 1.

Nguy cơ số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM gia tăng trở lại

Cùng với đó, TP.HCM đã tiêm hơn 24 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong đó tỷ lệ tiêm đủ mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt lần lượt là 81,8% và 56,5%. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mũi 1 đạt 82,4%, mũi 2 đạt 67,6%, mũi 3 đạt 22,7%. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 44,4% và 26,3%.

Với những thành quả đạt được, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch Covid-19.

Covid-19 đang quay lại ?

Đầu tháng 12.2023, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp, đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền bắc Trung Quốc. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là vi rút cúm; ngoài ra còn có Rhino vi rút, Mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp, adeno vi rút...

Tại Malaysia, Singapore, số ca mắc Covid-19 gia tăng từ 50 - 100% so với tuần cuối tháng 11, hầu hết có triệu chứng nhẹ và nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Vào đầu tháng 12.2023, trong buổi nói chuyện kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của nước Anh với các chuyên gia về dịch tễ học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh, GS Jonathan Van Tam (người Anh, gốc Việt), Hiệp sĩ chống dịch nước Anh, đã chỉ ra rằng trong số 5 đại dịch hô hấp trong 105 năm qua thì có 4 đại dịch là do loại vi rút cúm mới.

Theo GS Jonathan Van Tam, việc dự báo trước dịch tương lai là rất nguy hiểm vì có thể mắc sai lầm. Nhưng theo quan điểm của ông thì khả năng lớn là nguy cơ đại dịch tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt một lần nữa sẽ là cúm và thế giới phải chuẩn bị sẵn sàng và chi ngân sách để duy trì trạng thái sẵn sàng. Việc này là rất khó khăn cho tất cả các chính phủ, nhất khi có những ưu tiên cấp thiết khác.

TP.HCM sẽ làm gì?

TP.HCM tiến tới công bố hết dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch này có nguy cơ bùng phát ở nhiều nước, bên cạnh đó là các dịch bệnh hô hấp khác rình rập.

Tại tờ trình UBND TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đưa ra các giải pháp về quản lý, chuyên môn, truyền thông, đào tạo - tập huấn, công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế, hậu cần và trách nhiệm của các sở, ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.

TP.HCM muốn công bố hết dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

TP.HCM quyết không để dịch Covid-19 quay lại

DUY TÍNH

Trong đó nhấn mạnh công tác theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh (biến chủng mới, biến thể mới, tăng bất thường...) trong nước, trên thế giới cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh. Lồng ghép giám sát dịch bệnh Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng cúm, giám sát viêm phổi nặng do vi rút, giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.

Củng cố hoạt động của hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc kịp thời các trường hợp bệnh không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Ngoài ra, các cơ sở chữa bệnh bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực. Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế…

Người dân cần làm gì để phòng dịch bệnh Covid-19?

Để phòng dịch bệnh Covid-19, ngành y tế khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.

Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, tăng cường thông khí. Khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.