TP.HCM không thể phát triển nếu bó hẹp trong địa giới hành chính

Chí Nhân
Chí Nhân
27/04/2023 06:38 GMT+7

Tại hội thảo "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra ngày 26.4, nhiều ý kiến cho rằng phải xóa bỏ tư duy cạnh tranh với các địa phương khác, hướng đến trở thành nơi dẫn dắt thị trường.

TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nêu quan điểm: TP.HCM đừng quá tập trung vào các sản phẩm đầu cuối mà nên tập trung vào công nghiệp phụ trợ, nhất là những công đoạn có giá trị gia tăng cao. "Nên định vị TP.HCM là trung tâm giao thương của khu vực cũng như châu Á để gắn kết với sự phát triển công nghiệp toàn cầu. Bên cạnh đó cần phát triển tốt thị trường tài chính để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp", ông Điền nói.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài nhấn mạnh chiến lược cho TP phải là chiến lược cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam, còn khi bị bó hẹp trong tư duy địa giới hành chính thì không thể phát triển.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: Trong khu vực ASEAN, người VN là đứng đầu danh sách chi tiêu nhiều nhất cho vấn đề sức khỏe. Do ngành y - sinh - dược của chúng ta chưa phát triển nên mỗi năm chúng ta chi khoảng 16 tỉ USD để nhập khẩu các trang thiết bị y tế và thuốc cũng như nguyên liệu điều chế thuốc. Trong định hướng phát triển công nghiệp mới, TP cần dành không gian phát triển lĩnh vực này để phục vụ nhu cầu trong nước và thu hút du lịch.

Chủ trì hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.