TP.HCM kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng

13/07/2023 14:19 GMT+7

Việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 và Kế hoạch 3333 đã góp phần kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM trong 4 năm qua.

Sáng 13.7, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết cấp thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM; và Kế hoạch số 3333 của UBND TP.HCM về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 23 và Kế hoạch 3333, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, TP.HCM xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, trái phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018.

TP.HCM kéo giảm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sau Chỉ thị số 23 - Ảnh 1.

Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

PHAN THU HOÀI

Sau khi ban hành Chỉ thị 23 và Kế hoạch 3333 vào năm 2019, tình hình quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tổng số công trình vi phạm sau 4 năm là gần 2.700 công trình, giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23. Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng số công trình vi phạm là 170 công trình, giảm 89% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23.

Về việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và nhiệm vụ, đến nay đã có 53/56 nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện, 1/56 nhiệm vụ đang thực hiện, 2/56 nhiệm vụ không thể triển khai thực hiện.

Ông Lê Trần Kiên cho biết, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM sau Chỉ thị 23 có nhiều chuyển biến tích cực, không phát sinh điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn giải pháp không thực hiện được là ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nguyên nhân là trong luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan không quy định việc ngưng cung cấp điện, nước trong xử lý vi phạm hành chính.

Có nên tiếp tục Chỉ thị số 23?

Tại hội nghị, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23 và Kế hoạch 3333, TP.HCM đã kéo giảm các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn, đây cũng là quyết sách hữu hiệu trong lập lại trật tự ngành xây dựng thành phố.

Theo ông Trần Hoàng Quân, đạt được kết quả khả quan như ngày hôm nay là sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kể cả lực lượng vũ trang thành phố.

TP.HCM kéo giảm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sau Chỉ thị số 23 - Ảnh 2.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, phát biểu tại hội nghị

PHAN THU HOÀI

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, Sở đang kiến nghị Thành ủy TP.HCM có nên tiếp tục Chỉ thị 23 không, hay tiến hành tổng kết luôn để ban hành Chỉ thị mới. Hiện nay, nhiều địa phương kiến nghị nên tiếp tục vì còn những trăn trở trong ngưng cung cấp điện, nước cho công trình vi phạm. Lãnh đạo Sở Xây dựng kiến nghị tới ngành điện, nước của TP.HCM trao đổi với địa phương để có biện pháp xử lý trường hợp này thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Trần Hoàng Quân nhấn mạnh công tác xử lý cán bộ sai phạm sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23. Theo đó, từ tháng 7.2019 đến nay đã xử lý kỷ luật 184 trường hợp cán bộ vi phạm, số cán bộ công chức liên quan lên đến 500 trường hợp.

"Qua 4 năm triển khai Chỉ thị 23, chúng ta được mà cũng mất rất nhiều, bài học xương máu là mất cán bộ. Đào tạo 1 cán bộ rất khó mà lại xử lý kỷ luật rất đau xót. Vậy nên chúng ta phải làm tốt ngay từ đầu, quyết liệt để không có trường hợp sai phạm đáng tiếc xảy ra", ông Trần Hoàng Quân chia sẻ.

TP.HCM kéo giảm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sau Chỉ thị số 23 - Ảnh 3.

Một công trình xây dựng sai phép tại TP.Thủ Đức khi chủ đầu tư xây thêm tầng, cơi nới thêm các tầng

ĐÌNH SƠN

Ông Trần Hoàng Quân nêu kiến nghị quy trình cấp phép nên rút gọn, đơn giản cho người dân. Cụ thể như các công trình có quy mô dưới 250 m2 không cần thể hiện đầy đủ bản vẽ như trước đây mà chỉ cần thể hiện theo cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có xác định chiều cao mỗi tầng. Điều này vừa giúp người dân tiết kiệm thời gian, vừa giảm tiêu cực, nhũng nhiễu.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng đưa ra một số hạn chế về trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi phối hợp chưa tốt, chưa hiểu nhau trong thực hiện nhiệm vụ. 

"Có trường hợp người dân xây nhà không biết gửi đơn đi đâu để kiểm tra, hoặc gửi nhưng chậm nhận được phản hồi, đặc biệt là chúng ta mất lòng tin khi người dân phát hiện công trình vi phạm nhưng chưa thấy xử lý. Thời gian tới cần có biện pháp chấm dứt hạn chế này", ông Trần Hoàng Quân đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.