TP.HCM hỗ trợ người lao động phi chính thức bị ảnh hưởng của dịch Covid-19

05/06/2021 11:45 GMT+7

TP.HCM đang lập danh sách hỗ trợ người lao động phi chính thức và người làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải ngừng hoạt động thực hiện quy định phòng dịch Covid-19 .

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa đề nghị 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, lập danh sách người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để phục vụ công tác hỗ trợ. Đối tượng nhận hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải đảm bảo có đủ các tiêu chí và điều kiện theo yêu cầu.

Bản tin Covid-19 ngày 4.6: Dịch bệnh ở TP.HCM vẫn phức tạp, F3 "nhảy" dần thành F0

Về tiêu chí đối tượng, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đa phần là lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội.
Người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố kể từ ngày 31.5 đến thời điểm thống kê.
Về điều kiện, người lao động tự do bị mất việc làm có đủ 2 điều kiện là cư trú hợp pháp tại địa phương (có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) và làm một trong 7 loại công việc sau:

Người lao động ở các quán bar, beer club... sẽ được hỗ trợ

Ảnh: Ngọc Dương

Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại văn bản số 1749 ngày 30.5.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết sẽ báo cáo UBND TP.HCM và đề xuất hỗ trợ mỗi người lao động chính thức bị ngừng việc từ 1 tháng trở lên với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Các dịch vụ không thiết yếu ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19

- Các cơ sở làm đẹp (spa, cắt - uốn tóc nam nữ, nail...); massage, xông hơi; phòng khám thẩm mỹ và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ.
- Các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, trung tâm - nhà hàng tiệc cưới.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường, bar, karaoke, hát với nhau, pub, beer club.
- Các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet.
- Các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện
- Các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng (trừ hoạt động bán hàng rong, buôn gánh bán bưng).
- Các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga,..); các trung tâm thể dục thể thao, khu tập luyện thể thao công cộng, cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao ngoài trời trên địa bàn thành phố.
Đối với nhóm lao động phi chính thức, Sở LĐ-TB-XH đề xuất mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ được tính từ tháng 6 đến tháng 12.2021, người lao động bị mất việc tháng nào sẽ được xem xét, hỗ trợ tháng đó. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn vận động từ các nhà hảo tâm và một phần ngân sách TP.HCM. 

Người dân khu cách ly Covid-19 thi trồng táo, quên căng thẳng ngày dịch

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê và báo cáo số liệu người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng và trẻ em dưới 16 tuổi phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung phòng dịch Covid-19, trong khu vực phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.