TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16: Sợi dây 'nhắc nhớ' giăng trước nhiều con hẻm Quận 3

11/07/2021 09:17 GMT+7

Đi dọc nhiều tuyến đường ở Q.3, TP.HCM những ngày giãn cách theo chỉ thị 16, nhiều người thấy tò mò vì hẻm nào cũng như hẻm nào, đều được căng một sợi dây phía trước, nhìn thoáng nhiều người dễ lầm tưởng đó giống khu vực đang bị… phong tỏa . Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

Chiều 10.7, đi dọc theo những con đường ở Q.3 như Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám… PV Thanh Niên không khỏi tò mò khi hẻm nào ở đây cũng đều bị căng dây. Dây chắn ngang hẻm, cao bằng vai, trên đó có dán một dòng thông báo nhỏ.
Khác với những nơi phong tỏa vì có ca nhiễm F0 hay người nghi nhiễm sẽ có barie rào chắn bít lối, có công an, dân phòng trực ngay chốt phong tỏa thì các con hẻm này chỉ đơn giản 1 sợi dây và người xe đều có thể đi qua, ko ai kiểm soát. Thắc mắc, PV ghé lại hẻm 404 đường Nguyễn Đình Chiểu (P.4, Q.3) đọc thì thấy được nội dung thông báo: “Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị người dân chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết”.

Cán bộ Đoàn đi chợ giúp dân ngày giãn cách, miễn phí giao hàng đến tận nhà

“Như một lời nhắc nhở”

Chiều ngày thứ hai giãn cách xã hội toàn TP.HCM, hẻm này vắng vẻ. Đem thắc mắc về sợi dây giăng trước hẻm hỏi ông Phạm Liên (Trưởng ban công tác Mặt trận KP.1 tại phường 4) khi ông đang phát thẻ đi chợ ngày chẵn, lẻ cho người dân bên trong khu phố thì được giải đáp.

Dòng thông báo được dán trên dây phía trước mỗi con hẻm

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông Phạm Liên - Trưởng ban công tác Mặt trận KP.1, P,4, Q.3 phát phiếu đi chợ cho người dân ở các hẻm giải thích việc phía trước các hẻm được căng dây những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông nói phía P.4 đã giăng nó từ hôm qua, trong ngày đầu tiên toàn TP giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích của việc giăng dây không phải là phong tỏa con hẻm để người dân không thể ra vào, mà nó như một lời nhắc nhở ý thức của họ. Theo ông, trước khi quyết định ra đường vào thời điểm này, mỗi người cần xem lại việc đó có thực sự cấp thiết hay không.
“Tôi thấy việc giăng dây như vậy cần được nhân rộng để tất cả chúng ta đều có ý thức tốt hơn. Tuy nhiên, quan trọng là ở mỗi người, dù có bao nhiêu sợi dây mà người dân vẫn chủ quan thì cũng như không”, ông Liên nói.
Bà Nguyễn Thị Đạm (62 tuổi) sống ở đây cho biết từ hôm qua, bà đã mua đủ thực phẩm để sử dụng trong một tuần nên ở yên trong nhà. Khi chúng tôi nhắc đến sợi dây được giăng trước hẻm nhà mình, bà Đạm cười rồi nói đó chính là “sợi dây thần thánh” của người dân trong hẻm hai ngày nay vì nó nhắc nhở người dân tuân thủ quy định phòng dịch.

Bà Nguyễn Thị Đạm (62 tuổi) thấy sợi dây trước hẻm là ám ảnh, nói nhờ nó mà mình ý thức hơn trong việc đi ra ngoài

ẢNH: CAO AN BIÊN

Bà Trần Thị Kim Cúc (76 tuổi) đang nhận phiếu đi chợ. Bà nói từ ngày trước hẻm mình căng dây bà vẫn “chưa biết mặt mũi sợi dây như thế nào vì không ra khỏi nhà nửa bước”. Sống một mình, thực phẩm bà được con cháu mua đem đến nhà đầy đủ, đủ dùng cho những ngày giãn cách sắp tới

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hôm qua, bà ra ngoài mua thực phẩm thấy sợ dây thì có chút bất ngờ vì thường bà chỉ thấy nó được giăng trước các nơi phong tỏa. Lúc đó, bà thầm nghĩ: “Ủa, hẻm mình bị phong tỏa hả?”. Tuy nhiên sau khi biết được sự thật, bà thở phào.
“Bước ra thấy sợi dây chắn ngang, là không hiểu sao mình tự ý thức xem lại việc mình đi ra ngoài có thực sự cần thiết vào lúc này không. Nhìn thấy cũng sợ… Bởi vậy nên hôm qua mua đồ về xong là tôi ở yên trong nhà với con luôn, có dám bước đi đâu đâu”, bà nói.
Người phụ nữ nói thêm, những người dân sống trong hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu của mình đa phần đều có ý thức cao khi thực hiện tốt việc giãn cách. Dù rằng việc đối diện với 4 bức tường trong những ngày tới là điều không dễ dàng, tuy nhiên bà Đạm mong mỗi người góp một chút ý thức ở yên trong nhà vì “chính quyền những ngày qua đã rất vất vả để kiểm soát dịch bệnh rồi, mình ráng hết sức một lần để thắng dịch Covid-19”.
Lát sau, chị Ngọc (33 tuổi) từ bên trong chạy xe máy tới đầu hẻm. Vì sợi dây giăng không quá cao nên chị phải cúi đầu xuống thấp thì mới qua được hẻm này. Chị cho biết mình ra ngoài để mua một ít thực phẩm và một ít thuốc cho người thân, rồi về ngay. Nhìn sợi dây, chị nói mình cũng thấy “tâm lý” lắm, vì không mong một ngày nào đó nó thực sự trở thành “sợi dây phong tỏa” trước hẻm mình.

Trước hẻm 263 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhiều người phải cúi đầu để ra khỏi hẻm vì sợi dây được giăng không quá cao

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Mấy đường Vườn Chuối gần đây cũng bị phong tỏa, trước đó nữa là hẻm chỗ bánh canh O Thanh nên người dân ở đây ai cũng sợ, nhìn thấy dây là sợ à. Tôi có việc gấp mới ra đường chứ giờ ra ngoài cứ thấp thỏm sao không”, chị nói rồi vội vã chạy đi.

6 điểm mới trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất cả nước

Shipper… hơi bất ngờ

Gần đó, hẻm 275 Nguyễn Đình Chiểu cũng có một sợi dây chắn ngang. Ông Lê Quang Vinh (46 tuổi) ở trong hẻm cho biết khi được chính quyền địa phương thông báo thì mọi người cũng hiểu rõ sợi dây dùng để nhắc nhở ý thức phòng dịch của mỗi người.
Vốn làm trong nhà may, gần 2 tháng nay ông Vinh mất việc nên cứ “ru rú” trong nhà không đi đâu, mọi chi phí sinh hoạt của ông hiện tại đều nhờ số tiền tích cóp được những năm qua. Vì vậy nên ông nói dù sợi dây này có hay không thì mình vẫn tuân thủ việc ở yên trong nhà.

Một sợi dây chắn ngang hẻm 51 đường Cao Thắng (P.3, Q.3)

ẢNH: CAO AN BIÊN

Anh Nguyễn Đức Phát (27 tuổi) giao hàng cho một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Anh nói hôm qua, khi thấy sợi dây chắn ngang anh và các đồng nghiệp cùng làm có chút bất ngờ và bối rối vì không biết có được vào trong hay không. Tuy nhiên, sợi dây trước hẻm cũng nhắc nhở anh ý thức hơn trong việc giao nhận hàng

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhiều shipper thấy sợi dây đã không dám vào bên trong, chỉ đứng trước hẻm chờ người ra lấy hàng nhưng sau khi được giải thích thì họ cũng hiểu.
Anh Nguyễn Đức Phát (27 tuổi) giao hàng cho một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều năm nay, đây là khu vực giao hàng quen thuộc của anh. Anh Phát cho biết hôm qua, khi thấy sợi dây chắn ngang anh và các đồng nghiệp cùng làm có chút bất ngờ và bối rối vì không biết có được vào trong hay không.
“Nghe người dân nói xong tôi mới dám đi vào. Tới bữa nay thì cũng quen lắm rồi, nên không sao. Tôi nghĩ sợi dây đó ít nhiều cũng nhắc tôi phải tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho mình và khách khi giao nhận hàng”, anh nói.

TP.HCM đang chuẩn bị 50.000 giường điều trị Covid-19, không lo thiếu máy thở

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Đức (Chủ tịch UBND P.4, Q.3) cho biết trong ngày 9.7, ngày đầu tiên giãn cách xã hội toàn TP.HCM, theo chủ trương của quận, phường đã bắt đầu triển khai việc căng dây trước các hẻm trên địa bàn phường quản lý.
“Tại phường, đa số người dân đều chấp hành tốt Chỉ thị 16, tuy nhiên một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là. Một số người vì nhiều lý do vẫn chưa nắm được thông tin nên đi ra ngoài. Việc căng dây nhằm nhắc nhở người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Trong trường hợp người ta lỡ ra ngoài khi về thấy dây mình căng cũng như thông báo thì sẽ ý thức hơn, họ sẽ có ấn tượng trong đầu là sẽ ở nhà vào lúc này”, ông Đức cho biết.
Ông Đức cũng nói thêm, việc căng dây trước hẻm không khiến cho người dân hoang mang hay lo lắng vì trước khi triển khai, phường đã thông báo đến với người dân thông qua nhiều kênh khác nhau. Tùy tình hình thực tế, phường sẽ xem gỡ bỏ dây và sẽ có thông báo cho người dân. Thời điểm giãn cách xã hội, bên cạnh việc căng dây để nhắc nhở, phường cũng tiến hành nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động người dân không được ra khỏi nhà như thông tin qua các loa lưu động, lập các chốt kiểm soát người dân ra ngoài không lý do.
“Thậm chí sợ người dân không nắm được thông tin, chúng tôi còn sử dụng loa lưu động mắc trên xe máy để đi vào các con hẻm nhỏ, nơi xe lớn không thể vào được, để thông tin đến người dân. Ngoài ra chúng tôi cũng nhắn tin qua điện thoại để người dân được nắm rõ thông tin”, ông Đức nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.