TP.HCM giải ngân đầu tư công chỉ 31%, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung gỡ vướng

19/11/2022 17:39 GMT+7

Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM mới đạt 31%, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát các tồn đọng, vướng ở đâu gỡ chỗ đó.

Ngày 19.11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023.

Về tình hình lao động, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Văn Thinh cho biết có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động vì lý do cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị máy móc, ảnh hưởng về kinh tế. So với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp giảm lao động tương đương nhau, nhưng so với giai đoạn trước dịch (năm 2019 - 2020) thì đang ở số rất thấp.

Ông Thinh cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp, người lao động để giám sát những doanh nghiệp có trên 50 lao động để chủ động ứng phó; theo dõi sát vấn đề trả lương, thưởng của doanh nghiệp những tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, đầu tư công, ổn định thị trường lao động

nguyên vũ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu bám sát tình hình lao động, sản xuất, an sinh xã hội. “Ta không muốn tình hình xấu hơn nhưng đừng say sưa với tình hình tốt rồi trở tay không kịp. Nhất là với thành phố đông dân như TP.HCM”, ông Mãi nói, đồng thời yêu cầu phải theo dõi sát tình hình lao động ở Đồng Nai, Bình Dương.

Tính đến nay, TP.HCM mới giải ngân đầu tư công được khoảng 31%. Ông Mãi yêu cầu rà soát lại những vấn đề tồn đọng, đặc biệt là từng sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương cần rà lại nhiệm vụ của mình, vướng ở đâu vướng ở đó. “Khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa. Chúng ta cần quan tâm, quyết liệt hơn trong vấn đề này”, ông Mãi nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP.HCM chỉ ra câu chuyện nổi lên hiện nay là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, và cả những thủ tục nội bộ giữa các sở ngành với nhau. Ông Mãi gợi ý các đơn vị chia thành 3 nhóm: nhóm không thể thực hiện được thì trả lời cho người dân biết, nhóm giải quyết được thì tập trung xử lý hồ sơ đúng tiến độ, nhóm hồ sơ cần báo cáo cấp trên thì tổng hợp lại.

TP.HCM đặt trọng tâm đến cuối năm và năm 2023 là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của các đơn vị, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công việc và tạo ra dư địa phát triển. “Tình hình hiện tại có khó khăn nhưng vẫn còn dư địa để phát triển. Một trong những dư địa đó là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy các công việc”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận.

TP.HCM chỉ nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao gấp 1,2 lần cả nước

Góp ý cho kịch bản tăng trưởng năm 2023, TS Trần Du Lịch cho biết dù mức tăng trưởng cả nước năm 2022 đạt hơn 8% nhưng Quốc hội vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%. Riêng với TP.HCM, tốc độ tăng trưởng năm 2022 trên 9% nhưng dựa trên số liệu tăng trưởng âm của năm 2021.

Do đó, TS Trần Du Lịch đề nghị TP.HCM chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước khoảng 1,2 lần, tức là 7,5% đến 7,8% cho năm 2023. Nếu tình hình thuận lợi, thành phố có thể điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng lên.

Vị chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần quan tâm thường xuyên đến thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu, ngân hàng, đồng thời chủ động gỡ vướng cho thị trường bất động sản bởi 2 thị trường này gắn liền với nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.