TP.HCM gần nửa thế kỷ tiên phong vượt thách thức

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài
Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM
30/04/2023 11:20 GMT+7

Sinh ra tại Sài Gòn mà sau tháng 4.1975 được mang tên TP.HCM, trong suốt quá trình học tập, trưởng thành và làm việc, tôi đã gắn bó và trân trọng biết bao khi chứng kiến nhiều thăng trầm và thành tựu của thành phố này qua gần nửa thế kỷ.

Ít nhất là khoảng 10 năm kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, TP.HCM lúc đó ngổn ngang vì phải đối phó vấn đề thời hậu chiến như sản xuất đình trệ, thiếu lương thực, và nhu yếu phẩm, các ngành công nghiệp hầu như ở trình độ tiểu thủ công hộ cá thể, còn các ngành dịch vụ manh mún mang nặng tính tiểu thương.

TRUYỀN THỐNG DÁM NGHĨ DÁM LÀM

Đất nước thời bấy giờ và TP.HCM nói riêng phải gồng mình vượt qua khó khăn trong bối cảnh cấm vận, chiến tranh biên giới và tâm thế dao động của người dân. Dân số TP.HCM lúc này chỉ khoảng hơn 3 triệu nhưng tôi cũng như họ phải đối diện rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ nghèo cao gần 60%, thị dân nghèo phải vất vả mưu sinh từng ngày, ăn cơm độn bo bo cùng khoai sắn.

TP.HCM gần nửa thế kỷ tiên phong vượt thách thức - Ảnh 1.

Trụ sở UBND TP.HCM

Độc Lập

Nghị quyết 01 năm 1982 của Bộ Chính trị là nghị quyết đầu tiên về phát triển TP.HCM và tư tưởng từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 năm 1986 đã cùng với các thế hệ lãnh đạo tiền bối nhiều tâm huyết và đầy trách nhiệm như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí phát huy tính chủ động, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân và trí thức; đồng thời, tạo ra một truyền thống tiên phong đi đầu góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tinh thần dám nghĩ, dám làm xây dựng và phát triển TP.HCM vì cả nước và phấn đấu hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đến nay đã gần 40 năm sau đổi mới và gần 50 năm thống nhất đất nước, tinh thần dám nghĩ dám làm và truyền thống tiên phong đó đã tạo ra và duy trì khá bền vững một TP.HCM không chỉ dẫn đầu cả nước trong đóng góp vào GDP và thu ngân sách, mà còn lan tỏa đến các vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Gần đây, ngoại trừ khó khăn sau 3 năm đại dịch Covid-19, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng từ hai con số trong một thời gian dài. Mặc dù có dấu hiệu chựng lại về tăng trưởng nhưng TP.HCM vẫn là thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về quy mô GRDP và đóng góp ngân sách.

TP.HCM gần nửa thế kỷ tiên phong vượt thách thức - Ảnh 2.

Khu Công nghệ cao TP.HCM là mô hình tiên phong cả nước ở lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao

Độc Lập

NHỮNG MÔ HÌNH TIÊN PHONG

Để được xứng danh đầu tàu kinh tế và "vì cả nước" thì TP.HCM đã hình thành những mô hình tiên phong cả nước so với các tỉnh thành khác từ thập niên 90 cho đến nay, tạo tác động lan tỏa vùng và khu vực, tạo động lực mạnh mẽ đóng góp vào phát triển chung của cả nước.

Đầu tiên, TP.HCM hình thành mô hình khu chế xuất Tân Thuận và khu chế xuất Linh Trung đầu tiên cả nước, sau đó là 15 khu công nghiệp khác đã và đang thu hút hơn 1.600 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký hơn 12 tỉ USD. Không chỉ đang đóng góp tỷ trọng đáng kể vào ngân sách và xuất khẩu, các khu chế xuất còn tạo việc làm và thu nhập cho người dân TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ xuất phát điểm sau năm 1975 hầu như là số không về công nghiệp, đến nay TP.HCM đã trở thành nơi thu hút đầu tư công nghiệp nước ngoài và đầu tư công nghiệp trong nước với hệ sinh thái bao gồm các ngành công nghiệp tiên tiến như cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, hóa dược cao su và chế biến tinh lương thực.

Kế đến, mô hình Khu Công nghệ cao (KCNC) TP.HCM cũng là điển hình đi trước thời đại ở Việt Nam đã thay đổi diện mạo vùng đất nông nghiệp trũng thấp của H.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức). KCNC là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ với mục tiêu "điểm xúc tác" nâng cao năng lực công nghệ, khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường, không chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Hiện KCNC đã thu hút hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)…

TP.HCM gần nửa thế kỷ tiên phong vượt thách thức - Ảnh 3.

Khu chế xuất Tân Thuận thành lập năm 1991, là khu chế xuất đầu tiên của cả nước.

Ngọc Dương

Đặc biệt, TP.HCM đã dự báo đúng làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số hướng đến các giải pháp đô thị thông minh qua việc hình thành mô hình Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Đây không những là mô hình đầu tiên trong cả nước mà còn có tính lan tỏa ra các địa phương khác. QTSC với hơn 20.000 người đang học tập và làm việc, tạo ra nhiều dịch vụ và giải pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau, được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, tập trung vào Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Đặc biệt QTSC hình thành Chuỗi QTSC có 3 thành viên chính thức gồm: QTSC, Khu Công nghệ phần mềm Ðại học Quốc gia TP.HCM và Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, Chuỗi QTSC đã tạo được sự lan tỏa đến các tỉnh thành khác bao gồm: Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Khánh Hòa và Bình Ðịnh.

Bên cạnh đó, với tầm nhìn khu vực trong huy động vốn theo thông lệ thị trường quốc tế, TP.HCM đã đi đầu cả nước hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán vào năm 2000, nay đổi tên thành Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE). HOSE hiện là sự ưu tiên lựa chọn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vốn với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỉ USD. HOSE đóng góp vốn hóa chung cho Việt Nam xấp xỉ 30 - 40% GDP. Sau hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, HOSE đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vai trò đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Những mô hình nêu trên chỉ là đại diện cho nhiều mô hình tiên phong khác xuất phát từ tư duy vượt ra khỏi những khuôn khổ thể chế chưa hoàn thiện để đáp ứng đòi hỏi sinh động và biến chuyển nhanh từ bối cảnh TP.HCM. Nơi đây đã tạo ra những kết quả kinh tế, xã hội, môi trường rất có ý nghĩa mà nhiều tỉnh, thành phố khác đến quan sát và cùng đổi mới.

TP.HCM gần nửa thế kỷ tiên phong vượt thách thức - Ảnh 4.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành dịp 2.9.2023

Ngọc Dương

CẦN THỂ CHẾ VƯỢT TRỘI CHO ĐẦU TÀU

GDP bình quân đầu người của TP.HCM hiện đã tăng gần 30 lần so với những năm đầu thống nhất, tỷ lệ hộ nghèo giảm 30 lần so với cách đây 30 năm và TP.HCM nổi tiếng với thương hiệu nghĩa tình đùm bọc tất cả người dân mọi miền đất nước từ hậu chiến cho đến đại dịch Covid-19 gần đây.

Với vai trò đầu tàu kinh tế, một thời gian dài TP.HCM đóng góp từ 20% vào GDP và ngân sách nhà nước, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, dân số hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã tăng gấp 4 lần và trở thành một siêu đô thị có dáng dấp phát triển hiện đại theo tư duy hội nhập quốc tế. TP.HCM sau gần nửa thế kỷ đã to hơn về quy mô kinh tế và dân số, đã hiện đại hơn với nhiều mô hình theo thông lệ quốc tế, đã sạch hơn với các dự án môi trường hiệu quả như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm.

30.4 năm nay, TP.HCM đang đối diện với những thách thức mới, xuất phát từ lịch sử phát triển quá nhanh và quá năng động. Thách thức hậu công nghiệp khi mô hình khu công nghiệp - khu chế xuất đã qua hơn 3 thập kỷ hoạt động bộc lộ yếu kém công nghệ và thâm dụng lao động, có ảnh hưởng đến môi trường và đóng góp đang chựng lại ở tỷ lệ 20% GRDP. 9 ngành dịch vụ quan trọng của thành phố về cơ bản vẫn thương mại thuần túy chứ chưa đi vào phân khúc dịch vụ tạo giá trị cao như giáo dục, y tế, và tài chính.

Thách thức của một siêu đô thị đang tắc nghẽn vì cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội quá tải dẫn đến chi phí logistics cao, chi phí giao dịch cao. Thách thức về chất lượng sống khi mà năng suất lao động bình quân đầu người cao hơn và thu nhập cao hơn gần gấp đôi mức trung bình cả nước nhưng cũng lại thiếu không gian công cộng cho giải trí, văn hóa, thư giãn. Những thách thức này biểu hiện khá rõ là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và thấp hơn các thập kỷ trước, và gần đây nhất là quý 1/2023 có thể là thấp nhất trong lịch sử.

Phát huy truyền thống trong bối cảnh mới với tâm thế thành phố này phải tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, ngoài việc TP.HCM tiếp tục vì cả nước thì cả nước vì TP.HCM thông qua việc thiết kế thể chế vượt trội, huy động đủ nguồn lực và triển khai các nguồn lực đó vào TP.HCM vượt qua các thách thức hiện nay. Trong trung hạn, triết lý bao trùm của Nghị quyết 31 được Bộ Chính trị ban hành đã thể hiện sự khát vọng của cả nước về sự phát triển TP.HCM xứng tầm khu vực và quốc tế.

Để Nghị quyết 31 đi vào hiện thực thì vấn đề con người triển khai nghị quyết và thực thi nghị quyết vẫn mang tính quyết định. Thiết kế một thể chế vượt trội phải theo nguyên tắc trao quyền nhiều hơn, quản lý ít hơn nhưng lãnh đạo phải tiên phong đổi mới và chịu trách nhiệm giải trình đúng luật chơi hơn. Như vậy mới có thể khuyến khích động lực phụng sự của đội ngũ cán bộ dám nghĩ dám làm, chịu đổi mới và chịu trách nhiệm theo một tư duy xả thân vì cái chung thực hiện các khát vọng. 

Đó là các khát vọng tăng trưởng cao bền vững, xứng đáng vai trò vùng và đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP và ngân sách cả nước, một siêu đô thị thông minh, đáng sống của nhà đầu tư và người dân. Các mô hình mới sẽ tiếp tục nở hoa như thành phố sáng tạo tương tác cao, trung tâm tài chính quốc tế, siêu cảng Cần Giờ, hệ thống giao thông hiện đại nội đô và các vành đai tạo chi phí giao dịch thấp cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Khát vọng tiếp tục là đầu tàu kinh tế là khát vọng của nhân dân TP.HCM và nhân dân cả nước. Do đó, những con người bao gồm các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ khu vực công, đội ngũ tri thức trong và ngoài nước và toàn thể người dân, không chỉ TP.HCM mà là cả nước, đều có trách nhiệm tùy theo vị trí và kết quả như thế nào tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.