Bế mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV:

TP.HCM được thí điểm nhiều chính sách đặc thù

25/06/2023 06:13 GMT+7

Chiều 24.6, với 481/484 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, trong đó đồng ý hầu hết chính sách mà Chính phủ trình.

Nhiều chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách

Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM (Nghị quyết) gồm các chính sách đặc thù mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 năm 2017 về chính sách đặc thù cho TP.HCM và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.

TP.HCM được thí điểm nhiều chính sách đặc thù - Ảnh 1.

TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù

Ngọc Dương

Cụ thể, về đầu tư, TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Trong đó, sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.

Quốc hội (QH) cho phép TP.HCM đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, GD-ĐT. TP được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND TP xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

TP.HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Quốc hội thông qua nhiều chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách T.Ư). Ngân sách TP được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.

TP cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp. Tuy vậy, tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do QH quyết định theo luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, TP cũng được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách T.Ư từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP so với dự toán được Thủ tướng giao…

TP.HCM được thí điểm nhiều chính sách đặc thù - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

Gia Hân

TP.HCM được lập Sở An toàn thực phẩm

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới. Về xây dựng, quy hoạch và đầu tư, Nghị quyết trao quyền cho TP.HCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất được nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch đô thị, xây dựng.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM được lập Sở An toàn thực phẩm, trực thuộc UBND TP. Sở này có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, UBND huyện thuộc TP và UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên có tối đa 3 phó chủ tịch.

Kéo dài thời hạn visa lên 90 ngày

Sáng 24.6, với đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Trong đó, QH đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Đồng thời, nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. QH cũng thông qua đề nghị bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu phổ thông.

Về điều khoản thi hành, luật quy định giấy tờ xuất, nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất, nhập cảnh. Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN năm 2019 để giải quyết. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.

TP.HCM được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND…; quy định việc HĐND TP.HCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). HĐND TP.Thủ Đức có tối đa 2 phó chủ tịch, 8 đại biểu chuyên trách. UBND TP.Thủ Đức có tối đa 4 phó chủ tịch. TP.Thủ Đức cũng được lập ban đô thị thuộc HĐND...

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.8 và các chính sách được thí điểm trong thời hạn 5 năm, sơ kết việc thực hiện vào năm 2026 và tổng kết, báo cáo QH vào cuối năm 2028.

Quốc hội quyết định kéo dài thời hạn visa lên 90 ngày

Rà soát bất cập cơ chế, chính sách

Cũng trong chiều 24.6, QH đã bế mạc kỳ họp 5, QH khóa XV sau 23 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua số luật, nghị quyết được thông qua.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1.7 đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa. Cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025…

QH cũng yêu cầu Chính phủ tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về PCCC; giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới.

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh yêu cầu của QH đối với Chính phủ là phải có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống; tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, QH quyết định giao Chính phủ chủ trì rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước… Từ đó, xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn…; báo cáo QH tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023). 

Sai phạm Việt Á, chuyến bay giải cứu do 'dịch quá nhanh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.