TP.HCM đột phá y tế chuyên sâu: Bước tiến của ngành sản phụ khoa

Duy Tính
Duy Tính
15/06/2023 07:09 GMT+7

Nói đến lĩnh vực sản phụ khoa công lập ở TP.HCM thì nghĩ ngay đến Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương. Ngoài ra, còn có các bệnh viện tư nổi tiếng như Tâm Anh, Mỹ Đức, Phụ sản Quốc tế và khoa sản ở các bệnh viện đa khoa…

Ngoài những kỹ thuật thông thường để đảm bảo ca sinh an toàn, các bệnh viện (BV) nói trên hiện đã triển khai những kỹ thuật chuyên sâu về tầm soát, can thiệp từ trong bào thai và cải thiện chất lượng cuộc sống phụ nữ sau sinh.

TP.HCM đột phá y tế chuyên sâu: Bước tiến của ngành sản phụ khoa - Ảnh 1.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương

THIÊN CHƯƠNG

GIẢM TRIỆT ĐỂ TỬ VONG Ở MẸ VÀ CON

Theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, đến thời điểm này, có thể khẳng định ngành sản phụ khoa TP.HCM không thua kém gì các nước trong khu vực và trên thế giới. Bà cho biết 50 năm trước chưa có xét nghiệm tầm soát tiền sản, tất cả thai phụ đi khám thai là để theo dõi thai phát triển như thế nào, cân nặng, huyết áp… Vì thế, thai dị tật bẩm sinh ra đời rất nhiều vì hầu như không có khám sàng lọc như siêu âm, xét nghiệm máu, chẩn đoán tiền sản, chọc dò nước ối...

Đến thời điểm này, TP.HCM đã triển khai nhiều kỹ thuật tầm soát tiền sản công nghệ cao, trong đó phải kể đến vai trò của chẩn đoán tiền sản như siêu âm 3D, 4D, MRI để xác định dị tật, kết hợp xét nghiệm di truyền y học. Điều này giúp can thiệp sớm cho thai nhi, cũng như giúp gia đình sản phụ chuẩn bị tâm lý đón chờ điều không bình thường khi em bé chào đời và sẵn sàng tư thế đồng hành với ngành y tế điều trị cho các cháu có được cuộc sống bình thường. Đó là bước tiến ngoạn mục trong việc nâng cao chất lượng dân số TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đến thời điểm này, chỉ với những dị tật bẩm sinh không thể sửa chữa được như em bé vô sọ, đa dị tật liên quan đến bất thường về di truyền thì mới phải chấm dứt thai kỳ.

"Song thai dính nhau Diệu Nhi - Trúc Nhi là điển hình của việc bất thường thai nhi, được khám, chẩn đoán tiền sản tại BV Hùng Vương. Ngay sau khi ra đời, các cháu đã được chuyển đến BV Nhi đồng TP.HCM điều trị và tách dính thành công", PGS-TS Diễm Tuyết cho hay.

Giám đốc BV Hùng Vương khẳng định việc chẩn đoán thai, quản lý thai đảm bảo cuộc sinh nở an toàn tại TP.HCM đã được thực hiện rất tốt. Tỷ lệ tử vong mẹ tại TP thấp hơn so với cả nước. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong mẹ tại VN là 124/100.000 ca sinh sống, nhưng tại TP.HCM chỉ 2/100.000. TP.HCM hướng đến năm 2025 giảm dưới 1/100.000 ca sinh sống.

Lý giải về kết quả này, PGS-TS Diễm Tuyết phân tích TP.HCM có hệ thống quản lý thai khá chặt chẽ, phát hiện sớm thai kỳ nguy cơ cao như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược để theo dõi, thực hiện quy trình điều trị nhằm giảm tử vong mẹ. Ngoài ra, với nguyên nhân tử vong hàng đầu ở thai phụ là băng huyết sau sinh, TP.HCM đã có ngân hàng máu ở tất cả BV để đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, vấn đề hồi sức và phối hợp liên chuyên khoa, báo động đỏ liên viện rất tốt, nên tỷ lệ cứu sống người bệnh cao.

TP.HCM đột phá y tế chuyên sâu: Bước tiến của ngành sản phụ khoa - Ảnh 2.

Các kỹ thuật cao tại Bệnh viện Từ Dũ

THANH NHU

BẢO TỒN VẺ ĐẸP CỦA PHỤ NỮ

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành BV Từ Dũ, cho biết BV xác định 5 mũi nhọn phát triển để giải quyết các vấn đề của người bệnh: can thiệp bào thai, chẩn đoán di truyền y học, hiếm muộn - thụ tinh trong ống nghiệm, mổ nội soi, điều trị sa tạng vùng chậu để nâng cao chất lượng sống của phụ nữ sau tuổi sinh đẻ.

Từ đó, BV Từ Dũ đã tiếp cận các kỹ thuật ngang tầm thế giới để giải quyết 5 nhóm vấn đề nói trên. Chẳng hạn như kỹ thuật mổ nội soi bảo tồn tử cung trong bệnh lý nhau cài răng lược thể nặng, tỷ lệ thành công là 75%, trong khi trung bình thế giới chưa đạt 70%. BV còn mổ nội soi trên các ca khó và phức tạp, bảo tồn tử cung trong trường hợp thai bám vào sẹo lớn, sa tạng vùng chậu, dính nặng ở vùng chậu, lạc nội mạc cắm sâu vùng chậu, sửa khuyết sẹo cơ tử cung, bệnh lý cơ tử cung to... Một kỹ thuật khác là can thiệp xâm lấn ít nhất, nhỏ nhất bằng sóng RFA điều trị u xơ tử cung để bảo tồn cho chị em không thể phẫu thuật được nhưng muốn duy trì sinh sản để có con.

Theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, muốn phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu về sản phụ khoa, trở thành trung tâm y tế hàng đầu thì TP.HCM cần những cơ chế để điều chỉnh, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị. Ba năm qua, việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất gần như đóng băng. Mặc khác, việc mua sắm hóa chất cho các xét nghiệm di truyền y học kỹ thuật cao, mới còn khó khăn do chưa có danh mục cấp phép...

Bác sĩ Trần Ngọc Hải đặt vấn đề tại sao một số người bệnh đi qua Nhật, Singapore, châu Âu và các nước phát triển để khám chữa bệnh? Vì các nước này đã xây dựng chính sách quốc gia, chính sách vùng về thu hút người bệnh từ rất lâu. Còn kinh tế y tế của chúng ta bắt đầu từ hôm nay, trong đó có bắt đầu loại hình du lịch y tế. Trong giai đoạn này, theo ông, cần làm tốt những tiến bộ chuyên môn, khoa học, kỹ thuật và xây dựng quảng bá hình ảnh để giới chuyên môn và người dân các nước biết.

Bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết thêm BV Từ Dũ đã làm được phẫu thuật cho bào thai khi còn trong bụng mẹ. Trong đó bao gồm phát hiện bào thai thiếu máu thì truyền máu cho bào thai; can thiệp bào thai song sinh truyền máu cho nhau; dẫn lưu tràn dịch màng phổi, bàng quang cho thai nhi. Định hướng sắp tới là thực hiện đặt stent ngay trong bào thai.

Còn theo PGS-TS Diễm Tuyết, BV Hùng Vương cũng triển khai kỹ thuật nội soi, đặc biệt là mổ nội soi 3D trong ung thư phụ khoa khó để có thể điều trị hiệu quả, an toàn. Đặc biệt, BV đang triển khai kỹ thuật mới là nội soi 1 lỗ vào (thay vì 3 lỗ) để vừa đảm bảo điều trị, vừa thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một trong những định hướng phát triển của ngành sản phụ khoa TP.HCM là tầm soát giảm tử vong do ung thư cổ tử cung, ung thư vú, bao gồm xây dựng các trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ mang tầm quốc tế.

NHIỀU VIỆT KIỀU VỀ NƯỚC THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM

Theo PGS-TS Diễm Tuyết, một điểm sáng của ngành sản phụ khoa TP.HCM là thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu như trước đây, những trường hợp vô sinh do tắc ống dẫn trứng thì hầu như không thể làm mẹ, nhưng hiện nay đã làm được. Tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm dao động từ 50 - 60%, sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới, mặc dù kinh phí điều trị cho kỹ thuật này tại VN rất thấp, chỉ bằng 1/5 các nước khác.

Cùng với đó, các BV triển khai theo dõi sự phát triển của phôi qua hệ thống timelapse, sinh thiết phôi để phân tích di truyền của phôi trước khi làm tổ, hoặc áp dụng kỹ thuật Rosi để kích hoạt và nuôi dưỡng tinh trùng trong trường hợp tinh trùng non, yếu hoặc phẫu thuật để tìm tinh trùng bằng kính hiển vi phóng đại và phát triển kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng. Đặc biệt là đã triển khai được kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. VN là một trong những nước ít ỏi trên thế giới thực hiện được kỹ thuật này.

"Tất cả những kỹ thuật, chính sách tại VN đã góp phần giúp những người vô sinh, hiếm muộn có thể thực hiện được thiên chức làm cha, làm mẹ. Kỹ thuật điều trị thụ tinh trong ống nghiệm của chúng ta sánh vai với thế giới và được thế giới công nhận. Chứng nhận RTAC về quản lý chất lượng thụ tinh trong ống nghiệm do tổ chức ở Úc cấp định kỳ hằng năm sau thẩm định đã nói lên tất cả. Vì vậy, nhiều Việt kiều tin tưởng về nước thụ tinh trong ống nghiệm do hiệu quả cao nhưng chi phí thấp", PGS-TS Diễm Tuyết chia sẻ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.