TP.HCM đề xuất điều chỉnh hàng loạt tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19

27/09/2021 10:51 GMT+7

TP.HCM kiến nghị điều chỉnh các tiêu chí về kiểm soát dịch Covid-19 về tỷ lệ tiêm vắc xin, số ca nhiễm phát sinh hàng tuần, biện pháp cách ly y tế ... phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở mở cửa kinh tế sau 30.9.

UBND TP.HCM vừa có văn bản góp ý, bổ sung cho dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Bộ Y tế đang xây dựng, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn thành phố.
Dự thảo hướng dẫn nêu 3 chỉ số bắt buộc gồm: ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có ô xy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng; các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

TP.HCM: 371.719 ca Covid-19 cộng đồng, tổng cộng 190.014 bệnh nhân hồi phục

Tính số người khỏi bệnh vào nhóm đã tiêm vắc xin

Đối với tiêu chí 1, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh thành “bảo đảm tối thiểu 2% số giường hôi sức cấp cứu có máy thở và 5% giường có ô xy điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế của thành phố, tính theo số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương được đánh giá ở cấp 4 - mức nguy cơ rất cao”.
Về chỉ số 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh thành: ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin. Đồng thời, thống kê những người nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng và tính vào số lượng người được tiêm đủ vắc xin.

TP.HCM đề xuất giảm tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi từ 80% xuống còn 50%

Độc Lập

Liên quan đến chỉ số 4 về số mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần, TP.HCM nhận định chỉ số này phù hợp với những địa phương chưa bị dịch bùng phát, nhưng rất khó đạt đối với địa phương đã có hiện tượng xâm nhập sâu của chủng Delta vào cộng đồng. Vì vậy, thành phố đề xuất cân nhắc điều chỉnh thay thế chỉ tiêu này thành một chỉ tiêu khác như số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.
Dựa trên tình hình thực tiễn của TP.HCM nhằm khuyến khích các địa phương phấn đấu tiêm phủ kín mũi 1 làm cơ sở mở cửa nền kinh tế cũng như tạo thuận lợi trong giao thương với các tỉnh thành phía Nam, UBND TP.HCM kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 bổ sung thêm phần đánh giá an toàn cho các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cao (trên 95%), tỉ lệ tiêm đủ liều đạt mức độ hợp lý thay vì chỉ có 2 mức là duới 70% và từ 70% trở lên như dự thảo.
TP.HCM cũng kiến nghị xem xét cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở 1 cấp thấp hon, phù hợp với đặc thù cơ cấu kinh tế và diễn biến dịch tễ, năng lực điều trị của từng địa phương.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị cấp mã số cho F0 từ test nhanh Covid-19

Không bắt buộc cách ly tập trung F1

Trong văn bản kiến nghị, TP.HCM đề nghị làm rõ thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch. Tại mục 3 phần II của dự thảo nêu là “trong vòng 72 giờ”, tại điểm (5) mục 3 của phần III nêu “việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ”.
TP.HCM đề xuất hướng dẫn rõ nội dung này, cụ thể là việc tính các chỉ số để xác định cấp độ dịch là trên số liệu trung bình 7 ngày trước đó hay một khoảng thời gian nào khác; và chu kỳ để tính toán và xác định lại cấp độ dịch là bao lâu (theo chu kỳ 72 giờ/1 tuần tính lại một lần hay cách nào khác).

Đường phố TP.HCM những ngày cuối tháng 9 nhộn nhịp hơn trước khi bước vào cuộc sống bình thường mới

Ngọc Dương

Liên quan đến biện pháp cách ly y tế, UBND TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, tiết kiệm nguồn lực tài chính cho địa phương và người dân, tạo điều kiện tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị F0 tốt hơn. Đồng thời, kiến nghị cho phép địa phương được chủ động và linh hoạt về phương án cách ly F1 tùy theo điều kiện cụ thể.
Về cách tính chỉ số ca nhiễm, UBND TP.HCM đề xuất chỉ số ca mắc mới cần định nghĩa rõ là ca PCR, được tính hằng tuần bằng số ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong các cơ sở cách ly tập trung), lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.
Riêng phần các biện pháp thích ứng an toàn theo cấp độ dịch, TP.HCM đề xuất nhấn mạnh đến việc tiêm đủ liều vắc xin và tuân thủ 5K trong việc quy định số lượng người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng quy định riêng để có thể mở cửa nền kinh tế; đồng thời kiến nghị Chính phủ quan tâm ưu tiên vắc xin cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam để sớm đạt độ bao phủ.

TP.HCM sẽ chuyển trạng thái bình thường mới ra sao khi Covid-19 còn phức tạp?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.