TP.HCM: Đề xuất cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi

25/08/2021 19:30 GMT+7

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM dẫn chứng để vận hành một siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần đủ nhân lực chứ không thể cắt giảm 90%; đồng thời cho biết sẽ đề xuất cấp thêm giấy đi đường cho nhóm doanh nghiệp này.

Chiều 25.8, tại buổi họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, nhiều phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc cấp giấy đi đường vẫn chưa thông suốt, trong đó có liên quan đến một số lĩnh vực như gas, xăng dầu, logistics...

Cửa hàng tự động thời Covid-19: Chỉ thấy người mua, không thấy người bán

Sở Công thương chỉ nhận được 40.000 mẫu giấy đi đường từ Công an TP

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết theo văn bản 2791 ngày 21.8 của UBND TP.HCM, Sở sẽ cấp giấy đi đường cho các doanh nghiệp cung cấp gas, xăng dầu. Nhưng theo hướng dẫn mới nhất của UBND TP.HCM thì loại hình này được giao về cho các quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa rõ nên tiếp tục liên hệ Sở Công thương cấp giấy. Hôm qua (24.8), Sở Công thương đã phát hành văn bản đề nghị các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp nhận, làm thủ tục cấp giấy cho doanh nghiệp.
Ông Phương cho biết thêm, hiện Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho 3 nhóm đối tượng gồm: hệ thống phân phối, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất nhập khẩu và người lao động làm việc của ngành điện lực.

Việc lưu thông trên các tuyến đường hiện được siết chặt trên tinh thần "ai ở đâu ở yên đó"

Ảnh: Độc Lập

Ngày 23.8, Sở Công thương cấp khoảng 80.000 giấy lưu thông hệ thống phân phối, shipper, logistics, gas, xăng dầu... Tuy nhiên, do tất cả các đơn vị phải đổi mẫu giấy đi đường theo mẫu của ngành công an nên Sở Công thương phải làm thủ tục cấp lại từ đầu. Hiện đơn vị này nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy đi đường nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu giấy đi đường từ Công an TP.HCM nên phải tính toán, cắt giảm lại.
“Chúng ta biết rằng có những đơn vị không thể cắt giảm được. Ví dụ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang cung ứng hàng hóa để vận hành thì cần 100 người thì chắc chắn phải đủ 100 người, hoặc chỉ cắt giảm 10%; nếu cắt giảm 90% thì nhân lực còn lại không thể vận hành được”, ông Phương dẫn chứng.
Do đó, Sở Công thương TP.HCM phải cân nhắc kỹ đối với những loại hình phải có sự ưu tiên nhân lực vận hành, những doanh nghiệp có hàng hóa phải xuất khẩu ngay…
Riêng đối với ngành logistics, ông Phương cho biết Sở Công thương đã nhận hơn 4.100 hồ sơ, hiện đã cấp 831 hồ sơ và từ chối 352 hồ sơ. Sắp tới, Sở Công thương tiếp tục nỗ lực để giải quyết các hồ sơ còn lại; đồng thời có văn bản đề xuất Công an TP.HCM cấp thêm giấy đi đường; bởi với số lượng hiện nay sẽ không đủ để cấp cho doanh nghiệp hoạt động theo nhu cầu.

Bản tin Covid-19 ngày 25.8: Nhiều địa phương duy trì giãn cách xã hội nghiêm ngặt

Vì sao combo thực phẩm có giá cao?

Về gói combo thực phẩm mà người dân cho rằng giá cao, ông Phương cho biết việc cung ứng hàng hóa dạng combo cho người dân là do các hệ thống phân phối hiện đại triển khai, các doanh nghiệp này đã tham gia chương trình bình ổn thị trường nên giá ổn định.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn, có thương hiệu sẽ có sự cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh nên nếu tăng giá sẽ rất khó cạnh tranh với đối thủ. "Do đó, giá cả tăng bất thường gần như là không có. Chúng tôi đánh giá việc người dân cho rằng giá combo cao có thể do gói combo cao hơn thu nhập của mình", ông Phương nhận định.
Hiện Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu các siêu thị xây dựng giá combo đa dạng từ 100.000 đến 500.000 đồng để người dân lựa chọn.
Trả lời câu hỏi Sở Công thương có tính đến phương án thiết kế các gói combo thực phẩm giống nhau hay không, ông Phương nhìn nhận việc thiết kế các combo giống nhau sẽ rất khó do các đơn vị phân phối nhập nguồn hàng từ nhà cung ứng khác nhau. Do đó, Sở Công thương TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp phân phối xây dựng combo thực phẩm gồm các mặt hàng thiết yếu, cơ bản nhất và thông tin đến người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.