TP.HCM đầu tư cho các thương hiệu văn hóa

Nguyên Vân
Nguyên Vân
06/10/2019 06:39 GMT+7

Sau những sự kiện được xem như thương hiệu văn hóa : Lễ hội áo dài , Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu, lần đầu tiên TP.HCM sẽ có Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2019 với sự tham gia của hàng trăm tài năng âm nhạc thế giới và VN.

Mới đây, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết TP đã phê duyệt tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế lần thứ 1 - Hò dô 2019, mở đầu cho Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm. Đây có thể xem là một bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược của TP.HCM trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.

Trải nghiệm mới cho người dân, du khách

Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2019 (HOZO - Ho Chi Minh City International Music Festival) sẽ diễn ra vào ngày 13, 14 và 15.12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) với sự tham gia của các nghệ sĩ và ban nhạc đến từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hy Lạp, Cuba và VN. Sẽ có nhiều hoạt động đa dạng trải dài suốt tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ cho đến hết khu vực bến Bạch Đằng trong lễ hội, từ biểu diễn - giao lưu âm nhạc trong nước và quốc tế, đưa âm nhạc đến với công chúng TP với hình thức hiện đại hơn cũng như giới thiệu nền âm nhạc truyền thống và đương đại của VN đến bạn bè quốc tế… 
Đây là lần đầu tiên khán giả TP.HCM cũng như du khách có cơ hội được hòa nhập và tận hưởng không khí lễ hội âm nhạc quốc tế, mà theo nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc của lễ hội, “là một không gian văn hóa mà các show trình diễn thông thường khác không thể mang lại”. Anh cho biết thêm, với người yêu nhạc, đây còn là một dịp khám phá thêm những thể loại âm nhạc mới, những thể loại và hình thức âm nhạc chỉ xuất hiện trong điều kiện đúng nghĩa lễ hội (festival). Bên cạnh đó, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2019 còn có các hoạt động trao đổi nghề nghiệp, nổi bật trong số đó là 2 tọa đàm: “Nền công nghiệp âm nhạc VN trong xu hướng hội nhập quốc tế và công nghiệp âm nhạc VN dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”; “Xu hướng âm nhạc world music”.
“Chúng ta đã bỏ rất nhiều tiền để ra nước ngoài thưởng thức những lễ hội âm nhạc. Đối với người dân sở tại, tôi cho rằng việc tổ chức lễ hội này không chỉ có thêm một sự kiện văn hóa mà nó còn là dịp gặp gỡ các thành viên cả gia đình, với bạn bè, giao lưu và trải nghiệm không khí hội hè… Đây sẽ là một trải nghiệm mới mẻ cho người dân và du khách, bởi trải nghiệm một không gian âm nhạc, một lễ hội cộng đồng vẫn còn khá xa lạ với phần lớn chúng ta. Nhưng, với tính chất của mô hình lễ hội âm nhạc đúng nghĩa, chúng tôi hy vọng đây là không gian mà mọi người có thể dễ mở lòng với nhau hơn, những khoảng cách trong cuộc sống sẽ dễ xóa mờ khi tâm hồn đồng điệu trong không khí của âm nhạc”, nhạc sĩ Huy Tuấn bày tỏ.

Kích cầu du lịch

Theo nhìn nhận của các nhà tổ chức - sản xuất sự kiện văn hóa giải trí, từ lâu lễ hội âm nhạc/ văn hóa trên thế giới được xem là mô hình để thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch, nâng cao chất lượng sống và đó cũng là một trong những chiến lược phát triển của các TP trọng điểm tại mỗi quốc gia. VN đã và đang có những lễ hội thu hút du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Hà Nội), Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế… “Tôi nghĩ hiệu quả đầu tiên nhìn thấy khi TP có một thương hiệu văn hóa là kích cầu du lịch. Hãy nhìn cách Đà Nẵng đang làm với lễ hội pháo hoa và hiệu quả là hằng năm du khách nô nức đổ về đây không chỉ để đến với biển”, nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định.

Lễ hội áo dài được xem là một thương hiệu văn hóa của TP.HCM

ĐÔNG ĐÔ

TP.HCM hằng năm diễn ra hàng chục lễ hội, liên hoan ngành nghề nhưng để tạo dấu ấn như một thương hiệu văn hóa thì có lẽ con số chưa được một bàn tay. Vậy nên việc tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô mà TP mong muốn sẽ là lễ hội âm nhạc quốc tế chuyên nghiệp và trở thành sự kiện văn hóa thường niên, một chương trình văn hóa nghệ thuật độc đáo mang thương hiệu riêng, đã thể hiện tầm nhìn quản trị từ lãnh đạo TP, dẫu còn không ít thách thức.
Bởi theo nhà nghiên cứu - phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, “TP.HCM lẽ ra phải đi đầu cả nước về câu chuyện này, vì đây vốn là nơi sôi động nhất cho đời sống âm nhạc”. Ông cho biết, theo quan sát, không như những ý kiến phân định rằng Hà Nội là thánh đường của nghệ thuật hàn lâm, TP.HCM là mảnh đất của nghệ thuật giải trí mà ở góc độ nào đó, mọi hoạt động nghệ thuật đều được phản ánh qua lăng kính của khán giả. “Thực tế cho thấy số hoạt động âm nhạc hàn lâm của TP.HCM những năm qua rất ổn, vé bán gần như trước đó một thời gian. Hay như NSƯT Hồng Vy tổ chức những đêm hòa nhạc thính phòng cũng được sự đón nhận của công chúng. Đón nhận ở đây không chỉ bởi sự nồng nhiệt tưởng thưởng bằng những tràng pháo tay sau mỗi tiết mục trình diễn mà còn bởi chính khán giả là người bỏ tiền ra mua vé đi xem. Nói như vậy để thấy rằng TP.HCM cần phải là một trung tâm lớn của nghệ thuật, TP phải nắm bắt mọi cơ hội, tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động ý nghĩa được diễn ra”, ông nhấn mạnh.
Việc tổ chức một liên hoan âm nhạc quốc tế tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, như một số nhà sản xuất nhận định, không hẳn mang lại ngay nguồn lợi kinh tế trực tiếp, nhưng có thể mang đến những lợi ích khác, người dân có thêm nhiều hoạt động để cân bằng đời sống âm nhạc, giải trí. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: “TP sẽ có diện mạo và tầm ảnh hưởng tốt hơn, xứng đáng là một trong những “anh cả” về nghệ thuật âm nhạc của cả nước; đồng thời nếu xây dựng tốt thì thương hiệu này sẽ là cơ hội để bè bạn quốc tế biết đến TP.HCM và VN nhiều hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.