TP.HCM: Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8% trong năm 2023, sẵn sàng thực hiện cơ chế mới

30/11/2022 10:45 GMT+7

Dự báo năm 2023 tình hình chung có nhiều khó khăn nhưng TP.HCM vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%, cao hơn cả nước (6,5%) bằng những giải pháp sáng tạo và sẵn sàng thực hiện thí điểm những cơ chế mới.

Sáng 30.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 19 để thảo luận về các dự thảo báo cáo kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đầu tư xây dựng hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, hoạt động kinh tế đảng, tổng kết 5 năm thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại cũng tại hội nghị Thành ủy cuối năm 2021, sau khi cơ bản khống chế được dịch Covid-19, TP.HCM đã quyết tâm tập trung khắc phục hậu quả đại dịch, triển khai các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để bù đắp những thiệt hại năm 2021.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị Thành ủy sáng 30.11

nguyên vũ

Trong năm 2022, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng trên 9%; 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở đánh giá.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại buổi làm việc chiều 27.11, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao tốc độ phục hồi, phát triển của thành phố và khẳng định "TP.HCM đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát".

Bên cạnh kết quả tích cực đó, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đều chậm.

Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng còn nhiều vướng mắc.

Những vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thị trường xuất khẩu đang đối diện nhiều khó khăn. Công tác xây dựng chính quyền đô thị, chất lượng hoạt động công vụ chưa cao, thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các sở ngành, cơ quan nhà nước.

Tìm giải pháp căn cơ, bền vững

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhìn nhận nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi cần có những giải pháp sáng tạo, năng động, chủ động hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển mạnh hơn nữa.

Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phân tích, dự báo tình hình; những thuận lợi, khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển của thành phố; dự báo những lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn để có giải pháp điều hành.

Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 19 diễn ra trong 1 ngày

nguyên vũ

Đặc biệt, thảo luận cho ý kiến về chủ đề năm 2023: “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư” và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5 - 8%. Đồng thời, góp ý, bổ sung, hoàn thiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung ưu tiên, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển của thành phố trong năm 2023, tạo cơ sở vững chắc cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị thảo luận, cho ý kiến về những giải pháp cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo cho thành phố phát triển nhanh, bền vững, nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Song song đó, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sẵn sàng tổ chức thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép.

Giải quyết thông tin phản ánh còn chưa kịp thời

Năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin, phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước.

Sau 5 năm thực hiện, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thông tin phản ánh theo thẩm quyền của các cấp đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, thực tế qua kiểm tra giám sát và lắng nghe nhiều thông tin nhiều chiều từ cơ sở, vẫn còn những mặt hạn chế. Một số cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin chưa kịp thời, chất lượng chưa cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.