TP.HCM có đủ trường lớp cho năm học mới ?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
07/07/2020 07:41 GMT+7

Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới của nhiều quận, huyện tại TP.HCM, số học sinh đầu vào cao hơn đầu ra nên các quận huyện sẽ phải tiến hành phân bổ học sinh sao cho đảm bảo đủ chỗ học.

Khó đảm bảo tỷ lệ học sinh/lớp theo quy định

Là một trong những quận có học sinh (HS) đông tại TP.HCM, năm nay Gò Vấp có 7.727 HS vào lớp 1, 8.908 HS vào lớp 6.
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, ở bậc THCS, giữa khối lớp 6 vào trường và lớp 9 ra trường có sự chênh lệch lớn. Trong khi lớp 9 ra trường chỉ khoảng 6.200 HS thì vào lớp 6 tới 8.908 HS. Như vậy năm nay các trường THCS tại quận này sẽ có thêm hơn 2.700 HS.
“Với số lượng HS đông, các trường không khỏi đau đầu trong việc bố trí lớp học, và rất khó để đảm bảo được chuẩn 35 HS/lớp ở bậc tiểu học và 45 HS/lớp ở bậc THCS, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp, phân phối HS về các trường để đảm bảo chỗ học cho các em”, ông Thủy chia sẻ.
Hiện ở Q.Gò Vấp, bậc THCS có các trường Phan Tây Hồ, Phạm Văn Chiêu là đông HS nhất. Còn tiểu học thì Trường An Hội đứng đầu với khoảng 3.700 HS. Theo ông Thủy thì dù số HS tăng nhưng năm nay quận không có thêm trường, lớp nào được xây dựng.
Đặc biệt, năm nay HS lớp 1 sẽ theo học chương trình phổ thông mới nên phòng cũng đang tính toán phân bổ lớp học vì từ năm học này tất cả HS lớp 1 sẽ học 2 buổi/ngày.
Tương tự, ở Q.Tân Phú, bậc THCS năm nay có 6.827 HS chuẩn bị vào lớp 6 trong khi chỉ có 5.661 HS lớp 9 ra trường. Do vậy số HS sẽ tăng 1.166 em. Dù số HS có tăng, nhưng theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận, ngoại trừ HS có nhu cầu học tại các trường tư thục, phòng sẽ phân tuyến HS về các trường, đảm bảo đủ chỗ học.
Ở một số trường “tiêu chuẩn”, quận yêu cầu các trường tiểu học Âu Cơ, Hồ Văn Cường, Tân Hương bố trí 35 HS/lớp. Còn tại Trường tiểu học Tân Sơn Nhì là 30 HS/lớp nhằm đảm bảo tiêu chuẩn “trường tiên tiến”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT Q.9, cho biết dù năm nay ở bậc tiểu học và THCS đều tăng thêm khoảng 1.000 HS mỗi cấp nhưng quận vẫn đảm bảo được chỗ học cho các em. Đặc biệt, không chỉ với HS lớp 1 học theo chương trình mới, mà tất cả các khối lớp bậc tiểu học và THCS các trường đều đảm bảo việc học 2 buổi/ngày.
Lý giải điều này, bà Hiền cho biết do năm trước đó có thêm 2 trường tiểu học và 1 trường THCS đưa vào hoạt động. Năm nay, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng được xây thêm cơ sở 2 với 16 phòng học; Trường THCS Hoa Lư được xây mới thêm 12 phòng học… nên quận có thể đảm bảo chỗ học cho HS.
“Dù vậy chúng tôi phải cố gắng tham mưu UBND quận để tiếp tục mở rộng trường lớp mới đảm bảo được chỗ học. Mục tiêu là giảm sĩ số HS trung bình mỗi lớp ở khối lớp 1 xuống, hiện mức trung là 40 HS/lớp”, bà Hiền nói.

Cấp THCS tăng học sinh mạnh nhất trong năm học mới

Ngọc Dương

Nhiều nơi sẽ tuyển sinh bằng phần mềm trực tuyến

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đối với việc tuyển sinh đầu cấp, năm nay các đơn vị sẽ thực hiện công khai các mẫu đơn và thủ tục trên cổng thông tin điện tử của mình, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến.

Dự kiến tăng 55.000 HS, nhiều nhất bậc THCS

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã báo cáo với UBND TP về tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho năm học mới.
Theo đó, hiện nay TP.HCM có khoảng 2.348 trường học với hơn 1,7 triệu HS và gần 81.000 giáo viên. Theo thống kê, năm học 2020 - 2021 TP.HCM dự kiến tăng khoảng 55.000 HS, trong đó bậc THCS tăng nhiều nhất với khoảng 28.000 HS, tập trung ở một số quận, huyện như: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Lãnh đạo Sở nhìn nhận nguyên nhân việc gia tăng là các quận, huyện trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Năm học 2020 - 2021, TP. HCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn (kể cả trường hợp không có hộ khẩu TP.HCM) đủ chỗ học. Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi), Sở GD-ĐT đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học, tổng kinh phí hơn 69.929 tỉ đồng. Đến cuối năm 2019, đã đạt 288 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Riêng năm 2020, TP.HCM đưa vào sử dụng 90 dự án với 1.371 phòng học mới, trong đó dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 5.9 là 73 dự án với 1.142 phòng học mới (tăng thêm 699 phòng học mới); từ sau ngày 5.9 đến cuối năm 2020 là 17 dự án với 229 phòng học mới (tăng thêm 169 phòng học mới).
Bích Thanh
Là năm đầu tiên triển khai, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết hiện phần mềm đã được chạy thử và kiểm tra thấy ổn định. Ngoài việc công bố kế hoạch tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể của từng trường, UBND quận cũng đã phân tuyến HS về các trường cụ thể nên phụ huynh chỉ việc tải mẫu đơn, điền thông tin và nộp trực tuyến cho các trường.
“Việc tuyển sinh trực tuyến sẽ giúp các trường công khai chỉ tiêu, số HS đã nhận để phụ huynh có thể nắm. Sau khi làm xong thủ tục trực tuyến, những em nào đạt yêu cầu, đúng tuyến sẽ nhận được tin nhắn thông báo, phụ huynh chỉ cần mang hồ sơ làm thủ tục nhập học cho con. Dù vậy chúng tôi vẫn có phương án dự phòng, trong trường hợp phần mềm bị lỗi hoặc nghẽn mạng thì có thể thay thế phương án làm hồ sơ, thủ tục ngay”, ông Thủy chia sẻ.
Ông Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết tất cả các trường từ mầm non đến THCS đều đã có cổng thông tin điện tử riêng. Phụ huynh chỉ cần tải các mẫu đơn về đăng ký và gửi luôn qua mạng.
Hình thức tuyển sinh trực tuyến được TP.HCM áp dụng từ năm học trước, nhiều quận, huyện đã triển khai thí điểm. Năm nay Sở tiếp tục khuyến khích các quận, huyện thực hiện để đơn giản hóa các thủ tục, công khai chỉ tiêu, kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.