TP.HCM có 12 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài

24/05/2018 07:08 GMT+7

UBND TP.HCM vừa có báo cáo Thủ tướng về 12 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài ở TP, trong đó dự án Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao là hai vụ nổi cộm nhất.

Báo cáo của UBND TP cho hay có 4/12 vụ việc nổi cộm cần tập trung để giải quyết dứt điểm: dự án Khu công nghệ cao (Q.9); Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2); dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ, công nhân viên tại P.Bình An (Q.2); khiếu nại, phản ảnh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan quyền sử dụng đất tại P.Hiệp Thành (Q.12). Trong đó, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao là hai vụ nổi cộm mà TP đang xử lý. Người dân liên quan hai vụ việc này thường xuyên ra Hà Nội tập trung khiếu nại, tố cáo đông người tại trụ sở các cơ quan T.Ư và nhà riêng của một số cán bộ lãnh đạo T.Ư.
Để xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người ở TP, ngày 31.12.2017, Ban Thường vụ Thành ủy TP ban hành Quyết định 1440 thành lập Ban chỉ đạo (gồm 16 thành viên do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban) và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo (gồm 12 thành viên do Phó chánh Thanh tra TP làm tổ trưởng).
Đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM cho biết đây là vụ việc phức tạp, kéo dài từ năm 2006 đến nay. Các hộ dân khiếu nại chủ yếu tập trung tại các khu vực giáp ranh quy hoạch, khu vực KP.1, P.Bình An (khoảng 4,3 ha) và khu vực tiếp giáp các phường Bình An, Bình Khánh (khu vực giữa hai ranh giới theo Quyết định 255/QĐ-UB-QLĐT và Quyết định 13585/KTST-QH của kiến trúc sư trưởng TP.HCM). Nội dung khiếu nại chủ yếu là xác định ranh quy hoạch; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế. Từ năm 2009 - 2017, TP.HCM và T.Ư đã tổ chức 12 cuộc tiếp dân.
Ngày 15.5.2018, Thủ tướng chủ trì họp với bộ, ngành và nguyên lãnh đạo các thời kỳ của TP, lãnh đạo UBND TP để nghe báo cáo quá trình lập quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường thiệt hại và tái định cư tại dự án này. Hiện Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận trình Thủ tướng xem xét, giải quyết.
Kiểm điểm 7 đơn vị liên quan dự án Khu công nghệ cao
Đối với dự án Khu công nghệ cao, UBND TP.HCM cho biết một số hộ dân tại dự án khiếu nại việc công khai không đúng bản đồ quy hoạch khu công nghệ cao; không lập phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại theo quy định; thu hồi thêm khoảng 334 ha đất ngoài ranh quy hoạch. Tháng 8.2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 370 truyền đạt ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đối với báo cáo kết luận 659 tháng 3.2017 của Thanh tra Chính phủ. Ngay sau đó, UBND TP có nhiều văn bản giao thủ trưởng các đơn vị tập trung rà soát tổng thể, toàn diện để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ.
Đáng chú ý, tháng 1.2018, Sở Nội vụ có báo cáo về kết quả tổ chức kiểm điểm đối với 7 đơn vị (phê bình, rút kinh nghiệm) gồm: Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, UBND Q.9 và Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.9. UBND TP đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện dứt điểm các kết luận của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ; tổ chức tiếp công dân để có chính sách giải quyết hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại...
Chưa thể thu hồi 41 khu nhà đất công
Ngày 23.5, báo cáo với thường trực HĐND TP.HCM về quản lý sử dụng đất công, Sở Tài chính cho biết, nhiều nhà đất công sử dụng sai mục đích nhưng khó thu hồi.
Tính đến ngày 31.12.2017, UBND TP và Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án xử lý của 12.832 địa chỉ nhà đất, trong đó TP là 10.832 địa chỉ nhà đất và T.Ư là 2.000. Trong số này tiếp tục quản lý sử dụng 7.904 địa chỉ nhà đất, thu hồi 320 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích đất là hơn 1 triệu m2. Nhưng đến nay TP mới thu hồi được 279 địa chỉ còn lại 41 địa chỉ nhà đất, với diện tích hơn 217.000 m2 chưa thể thu hồi.
Theo ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, quá trình đi khảo sát thực tế cho thấy quận, huyện kê khai đất công chưa đủ. Nhiều nơi muốn giữ lại mặt bằng làm quỹ đất cho đơn vị nên không kê khai. Nên con số 12.832 địa chỉ nhà đất sở hữu nhà nước là chưa sát thực tế.
Bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch HĐND TP, yêu cầu Sở Tài chính đề xuất cơ chế tăng cường thống nhất quản lý một đầu mối, bởi hiện nay đất công nhà xưởng cho thuê, Sở Xây dựng chỉ quản lý về xây dựng còn giá thả nổi cho các địa phương, rất nguy hiểm và lãng phí. Đồng thời quy trình bán đấu giá nhà đất công phải hoàn thiện, thuận lợi để bán đấu giá được dễ dàng.
Ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng phòng Tài chính vật giá, Sở Tài chính, cho biết Sở đều ghi nhận những khó khăn này của các quận, huyện và đã có văn bản báo cáo kiến nghị Bộ Tài chính. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài chính đề nghị các quận, huyện phối hợp với các văn phòng đăng ký đất đai để thu thập thêm thông tin để đẩy nhanh công tác xác định giá đất.
Đình Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.