TP.HCM chi hơn 11.000 tỉ đồng làm 4 tuyến đường huyết mạch

08/12/2023 15:01 GMT+7

Chiều 8.12, HĐND TP.HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông: Vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định, cầu đường Nguyễn Khoái và đường Chu Văn An.

Đầu tiên là dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức, TP.HCM) dài 2,5 km với tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng. Cấu phần xây lắp 2.587 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức thực hiện với tổng kinh phí 1.956 tỉ đồng. TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo theo lộ giới quy hoạch 67 m và nút giao đường Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 (phía bên phải đường Phạm Văn Đồng theo hướng đi quốc lộ 1K).

TP.HCM điều chỉnh 4 dự án giao thông với số vốn hơn 11.400 tỉ đồng

Trước mắt, chủ đầu tư sẽ xây dựng 2 đường song hành hai bên rộng 16,5 m, đáp ứng 3 làn xe, khoảng giữa rộng 34 m tạm thời để trống, trên tuyến còn có cầu Rạch Ngang dài 66 m và nút giao 3 tầng ở giao lộ Phạm Văn Đồng - Vành đai 2.

Dự kiến, đầu năm 2024 bắt đầu công tác bồi thường, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu. Dự án khởi công trong quý 3/2025 và hoàn thành quý 2/2027.

TP.HCM chi hơn 11.000 tỉ đồng làm 4 tuyến đường huyết mạch - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án cầu đường Nguyễn Khoái

SỞ GTVT TP.HCM

Thứ 2 là dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi qua 3 quận: 1, 4 và 7, có tổng mức đầu tư 3.725 tỉ đồng. Dự án này có phần cầu dài gần 2,5 km, bề rộng từ 6,5 - 25,5 m và phần đường dài hơn 2,3 km rộng từ 26,5 - 61,5 m.

So với thời điểm phê duyệt cách đây 7 năm chỉ có 1.250 tỉ đồng, dự án tăng 2.475 tỉ đồng, tương đương gần 2 lần. Trong năm 2024, dự án bắt đầu bồi thường, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để khởi công và đưa vào sử dụng năm 2027.

Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp kéo giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến của Q.4 đang quá tải, các phương tiện từ trung tâm thành phố về phía nam nhanh hơn.

TP.HCM chi hơn 11.000 tỉ đồng làm 4 tuyến đường huyết mạch - Ảnh 2.

Việc mở rộng đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức, TP.HCM) lên 30 m giúp các phương tiện ra vào cảng Cát Lái thuận lợi hơn

HOÀNG QUÂN

Dự án thứ 3 là mở rộng đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức) dài 2 km từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, mở rộng từ 6 - 8 m lên 30 m với tổng mức đầu tư hơn 2.075 tỉ đồng.

Dự án này có chủ trương đầu tư năm 2015, gồm 2 dự án bồi thường và xây lắp riêng biệt, nhưng chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Hệ quả sau 8 năm chờ đợi, kinh phí bồi thường tăng hơn 660 tỉ đồng, và thành phố phải chi gần 1.800 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ được tổ chức đấu thầu, khởi công trong năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026.

Thứ 4 là dự án mở rộng, nâng cấp đường Chu Văn An, từ ngã 5 Bình Hòa đến cầu Chu Văn An (Q.Bình Thạnh). Thành phố sẽ mở rộng đoạn đường dài 600 m, rộng 23 m và bổ sung thêm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 677 tỉ đồng lên 1.067 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Tổng vốn đầu tư của 4 dự án nêu trên hơn 11.400 tỉ đồng.

TP.HCM chi hơn 11.000 tỉ đồng làm 4 tuyến đường huyết mạch - Ảnh 3.

Đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sắp được mở rộng lên 23 m

SỸ ĐÔNG

Ngoài các dự án giao thông, HĐND TP.HCM cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi (Q.8).

Dự án gồm các hạng mục: xây dựng khoảng 4,3 km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc 2 bên lên 20 m; xây dựng mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16 m và cầu Hiệp Ân 2.

TP.HCM chi hơn 11.000 tỉ đồng làm 4 tuyến đường huyết mạch - Ảnh 3.

TP.HCM chi gần 5.000 tỉ đồng để cải tạo bờ bắc kênh Đôi (Q.8)

NGỌC DƯƠNG

Ngoài ra, dự án cũng sẽ làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh, chiếu sáng dọc theo các đường ven kênh và 1 bến thủy nội địa tại P.8.

Tổng mức đầu tư dự án 4.930 tỉ đồng, xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2028. Mục tiêu dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm, chống ngập, chỉnh trang đô thị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và tăng cường kết nối giao thông khu vực xung quanh.

Dự kiến, TP.HCM sẽ di dời hơn 1.000 hộ dân để thực hiện dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện từ năm 2024 để khởi công trong năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

TP.HCM điều chỉnh quy hoạch, gỡ vướng cho 88 dự án nhà ở xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.