TP.HCM 'chạy nước rút' giải ngân đầu tư công

21/10/2023 06:37 GMT+7

Hội nghị chuyên đề về giải ngân đầu tư công được ví như "Hội nghị Diên Hồng" của TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy cho chặng đường hơn 2 tháng còn lại.

Ngày 20.10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân của TP thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và các phó bí thư chủ trì hội nghị.

18 CHỦ ĐẦU TƯ GIẢI NGÂN 0 ĐỒNG

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong năm 2023, TP đã phân bổ 68.490 tỉ đồng, đến ngày 16.10 giải ngân 35%. Qua thống kê, có 18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào dù năm 2023 được giao hơn 5.900 tỉ đồng. Dự báo khả năng giải ngân, ông Hoan cho hay 1.807 dự án được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95%, trong đó có 288 dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đáng chú ý, TP.HCM dự kiến 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân hơn 19.500 tỉ đồng.

Phân tích nguyên nhân, ông Hoan cho rằng có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân vì vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi tắt là bồi thường). Lý do, nhiều dự án chưa được quận huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt dẫn đến không thể giải ngân. Thống kê sơ bộ có 12 dự án do nguyên nhân này với số vốn hơn 18.400 tỉ đồng, bao gồm một số dự án lớn như Vành đai 3, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cầu Ông Nhiêu (TP.Thủ Đức), cầu Rạch Đỉa (Q.7, H.Nhà Bè).

TP.HCM “chạy nước rút” giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đoạn qua Q.Gò Vấp dự kiến hoàn thành bồi thường trong năm 2023

SỸ ĐÔNG

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, nhà thầu thi công không đủ năng lực, giá trị quyết toán thực tế thấp hơn dự kiến đăng ký vốn, chậm thủ tục quyết toán dự án.

Nói thêm về công tác bồi thường, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu thực tế dự án rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thuộc địa phận Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp được HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 12.2022 nhưng tiến độ khá chậm. Bên cạnh đó, dự án nhà ở xã hội phục vụ tái định cư cho dự án rạch Xuyên Tâm đến nay vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Do vậy, bà Lệ yêu cầu công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là tái định cư phải chủ động thực hiện từ sớm để người dân an tâm với nơi ở mới và đồng thuận chấp hành bàn giao mặt bằng cho dự án. Đối với những dự án có quy mô thu hồi đất lớn, có số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, bà Lệ lưu ý cần khảo sát, điều tra xã hội học, nắm bắt nhu cầu của người dân, xây dựng phương án bồi thường, tái định cư hợp lý.

ƯU TIÊN GỠ VƯỚNG BỒI THƯỜNG

Nhận định mục tiêu giải ngân trên 95% sẽ khó đạt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ điều chuyển, bổ sung vốn giữa các chủ đầu tư và các dự án cùng chủ đầu tư, phấn đấu tỷ lệ giải ngân không thấp hơn 80%.

Về công tác bồi thường, ông Mãi lưu ý các địa phương xây dựng giá bồi thường, tái định cư, vận dụng chính sách hỗ trợ tốt nhất để tạo đồng thuận của người dân. Năm nay, TP.HCM cần giải ngân gần 27.000 tỉ đồng vốn bồi thường và cũng là số vốn kỷ lục. Ông Mãi nhấn mạnh vốn bồi thường phải giải ngân trước ngày 31.12 nên đề nghị bí thư, chủ tịch 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức lãnh đạo, chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ nguồn vốn giải ngân được giao, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Vấn đề bồi thường được nhiều địa phương cam kết đưa ra giải pháp thúc đẩy. Theo ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, dự án Vành đai 3 mới được UBND TP.HCM phê duyệt đơn giá bồi thường lần 2 nên địa phương đã triển khai đến 144 hộ dân, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đối với dự án cụm y tế Tân Kiên, huyện đang xem xét kiến nghị của 8 hộ dân trên đường Nguyễn Cửu Phú.

Ngoài ra, còn 2 hồ sơ khiếu nại lần hai và 2 hồ sơ tòa án thụ lý, sau khi UBND TP.HCM và tòa án giải quyết, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế trong tháng 11 và tháng 12 để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng dự án QL50 còn vướng 4 doanh nghiệp, ông Thanh cho hay trong tuần sau lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ họp để giải quyết vướng mắc.

Đánh giá công tác phối hợp là điểm nghẽn lớn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ dẫn chứng việc di dời hạ tầng kỹ thuật dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ kéo dài 18 tháng. Do vậy, bà Lệ đề nghị xác định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc không hoàn thành trách nhiệm của mình làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án đầu tư công.

THAY CÁN BỘ KHÔNG CHỊU GIẢI NGÂN

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, thống nhất 8 nguyên nhân như báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM. Trong đó, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý công tác phối hợp, đôn đốc và nhắc nhở, thúc đẩy còn nhiều vấn đề nhiêu khê giữa chủ đầu tư với sở ngành, địa phương, ban quản lý dự án. Điều này dẫn đến một số công trình trọng điểm, cấp bách bị vướng, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá nơi nào lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, phân công cụ thể, kiểm tra, giám sát thì nơi đó có kết quả tốt, điển hình như Q.Gò Vấp. Từ nay đến cuối năm còn 70 ngày "chạy nước rút", là cơ hội để các địa phương, chủ đầu tư tăng tốc bởi "đường dài mới biết ngựa hay".

Về giải pháp thời gian tới, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM thống nhất cần có sự tham gia của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đối với công tác bồi thường. Ông cũng nhấn mạnh Thành ủy không trực tiếp điều hành nhưng có thẩm quyền thay đổi cán bộ, đồng thời khẳng định sẽ làm quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát đầu tư công trong hơn 2 tháng còn lại.

Bàn về biện pháp chế tài, ông Nên phân tích muốn có chế tài thì phải có quy định, trước khi quy định phải có giả định. Do vậy, Bí thư TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM ban hành văn bản nêu cụ thể, rạch ròi về quy định, giả định và chế tài cho 70 ngày đối với từng sở ngành, người đứng đầu. Trong đó, nêu rõ cán bộ không làm việc phải làm, không có lý do khách quan thì phải chịu trách nhiệm gì.

Ở chiều ngược lại, các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư cũng gửi cam kết đến UBND TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về những công việc sẽ làm trong hơn 2 tháng còn lại. "Giữa tuần sau, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM phải nhận được cam kết này, anh nào không gửi thì coi như loại từ vòng gửi xe", ông Nên yêu cầu. Bản cam kết ngoài nêu những giải pháp sẽ làm thì có thể đề xuất TP.HCM giải quyết những vướng mắc đang đối diện. Ông Nên khẳng định giải ngân đầu tư công là trách nhiệm của cả cấp trên và cấp dưới, chứ không chỉ thúc ép cấp dưới một cách duy ý chí.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vận hành cuối năm nay

Năm 2023, TP.HCM phân bổ 5.771 tỉ đồng cho dự án chống ngập do triều (giá trị gần 10.000 tỉ đồng) nhưng chưa giải ngân vì còn phụ thuộc vào tiến độ giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ. Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ủng hộ phương án sử dụng một phần vốn để nhà đầu tư hoàn thiện dự án và tăng tỷ lệ giải ngân.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, qua trao đổi với tổ trưởng tổ công tác tháo gỡ vướng mắc dự án chống ngập do triều thì nhận được phản hồi cuối năm 2023, dự án sẽ vận hành theo kế hoạch. Còn mốc thời gian hoàn thành dự án thì chưa thể đưa ra nhưng sẽ cố gắng thực hiện bằng các giải pháp khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.