TP.HCM 'căng mình' chống dịch sởi!

Duy Tính
Duy Tính
02/07/2019 04:35 GMT+7

Sau mùa dịch sởi 2014 - 2015, TP.HCM đã bắt đầu xuất hiện mùa dịch sởi mới 2018 - 2019. Ca bệnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 7.2018 và gia tăng một tháng sau đó. Hiện nay số ca mắc đang giảm dần.

Bắt đầu từ tháng 7.2018 tại TP.HCM đã xuất hiện lẻ tẻ một vài ca sởi. Đến tháng 8.2018, ca bệnh xuất hiện nhiều và bắt đầu gia tăng đến cuối năm và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Như vậy, sau mùa dịch sởi 2014 - 2015, TP bắt đầu xuất hiện mùa dịch sởi mới 2018 - 2019.
Có thể nói, một năm qua TP đã “căng mình” chống dịch. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh vấn đề này.

Hơn 7.100 ca mắc sởi

Thưa bác sĩ, vụ dịch sởi 2018 - 2019 tại TP.HCM bắt đầu như thế nào?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Trong tình hình dịch tễ trên thế giới và Việt Nam bùng phát dịch sởi, TP.HCM cũng ghi nhận nhiều ca sởi trên địa bàn trong năm 2018 - 2019. Tổng số ca bệnh sởi ghi nhận từ tháng 8.2018 đến nay là 7.184 ca (3.893 ca nội trú và 3.291 ca ngoại trú).
Bệnh xuất hiện ở 24/24 quận huyện, số ca bệnh nhiều nhất ở các quận huyện như: Q.8, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức.
Về diễn tiến, những tháng đầu năm 2018 toàn TP ghi nhận 4 ca (tháng 7 có 4 ca), từ tháng 8.2018 thì số ca sởi bắt đầu tăng hằng tuần. Tuần có số ca bệnh sởi được báo cáo cao nhất là tuần cuối cùng của tháng 1.2019 (357 ca). Sau đó số ca bệnh hàng tuần bắt đầu giảm dần. 95% số bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng.
Số ca sởi vụ dịch 2018 - 2019 được phát hiện ở môi trường nào nhiều nhất? Vì sao?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Các ca bệnh sởi xuất hiện lẻ tẻ, không thành chùm tại cộng đồng, đặc biệt là tại các quận huyện có nhiều dân nhập cư có số ca bệnh cao hơn so với các quận huyện khác. Qua điều tra ghi nhận các trẻ này là con của lao động nhập cư, cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng. Một số ca bệnh bị phơi nhiễm khi đến bệnh viện điều trị bệnh khác. Cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi không được tiêm chủng theo lịch do mắc các bệnh bẩm sinh.

Cần tuân thủ lịch tiêm chủng quốc gia

Vậy, theo bác sĩ vụ dịch sởi tại TP là do nguyên nhân gì?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Dịch sởi xảy ra tại một địa phương là do nơi đó có nhiều người không được tiêm phòng bệnh sởi. Tại TP, tiêm phòng bệnh sởi miễn phí được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại tất cả các trạm y tế phường xã và tại một số bệnh viện và trung tâm không giường bệnh như Trung tâm dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên với đặc điểm dân cư biến động, nhiều trẻ em theo cha mẹ là các lao động nhập cư đến thành phố, không tiếp cận được với TCMR của TP (do cha mẹ không biết điểm tiêm hoặc do các trạm y tế không nhận được thông tin về trẻ này để mời trẻ ra tiêm chủng) nên trẻ này không được tiêm chủng đúng lịch.
Mặc khác, một số trẻ sống tại thành phố nhưng không được tiêm chủng đủ 2 liều (9 tháng và 18 tháng) do đi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và được tư vấn tiêm 1 mũi lúc 12 tháng và nhắc lại sau 3 năm. Lịch tiêm dịch vụ không phù hợp với các quốc gia đang lưu hành bệnh sởi như Việt Nam. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia đang lưu hành bệnh sởi, trẻ phải được tiêm chủng mũi sởi 1 lúc 9 tháng và mũi 2 lúc 15 - 18 tháng; phải đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa sởi trước khi tròn 2 tuổi để giảm số cá thể giảm nhiễm bệnh, qua đó giảm nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng.
Ngoài ra còn một số các cha mẹ do tâm lý e ngại, bị tác động bởi trào lưu “anti vắc xin” - chống vắc xin nên đã từ chối đưa con đi tiêm chủng hoặc có trì hoãn tiêm chủng theo lịch cho con.
Vậy TP đã có những giải pháp nào giải quyết những nguyên nhân nói trên?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Để nhanh chóng đối phó với tình hình bệnh sởi gia tăng, thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ em dưới 5 tuổi (sinh từ 2014 - 2017) từ tháng 12.2018 đến tháng 1.2019 và tiêm vét sinh từ tháng 2 - 5.2019, đạt tỷ lệ 97% trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi MR. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả tích cực, số ca mắc sởi đã giảm nhanh từ tháng 2 đến nay.
Về lâu dài nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu tất cả trẻ em tại TP (không phân biệt thường trú, tạm trú) đều phải được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.
Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các ban ngành đoàn thể khác rà soát, cập nhập và nhắc nhở phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng. Chỉ đạo tất cả các cơ sở có đỡ sinh thực hiện nhập thông tin trẻ mới sinh vào Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, cung cấp mã số tiêm chủng của trẻ trên hệ thống cho cha mẹ và hướng dẫn cha mẹ thông báo mã số này cho nhân viên y tế khi đưa con đi tiêm chủng.
Ngành y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng phải tư vấn chỉ định tiêm chủng vắc xin sởi đúng lịch, không tiêm trùng, hay bỏ sót và cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ. Truyền thông về sự cần thiết của tiêm chủng, chống lại trào lưu “anti vắc xin”.

Dự báo vẫn chưa dứt hẳn

Nhưng đâu là tồn tại khiến dịch sởi chưa giảm hẳn?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Chiến dịch MR vừa qua đã kiểm soát được đáng kể số ca sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên vẫn còn những lứa tuổi lớn hơn không được tiêm chủng miễn phí thì mọi người cần chủ động đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân.
Về điều trị, tất cả các ca bệnh sởi đều được điều tra và xử lý trong 24 giờ. Bệnh nhân được cách ly, những người tiếp xúc được gián sát và chỉ định tiêm phòng.
Tuy nhiên, biện pháp cách ly bệnh nhân thường chỉ thưc hiện được sau khi ca bệnh được báo cáo lên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khi bệnh nhân đã có đầy đủ triệu chứng của sởi mới được cách ly; trong khi đó, bệnh sởi có thể lây trước trước khi phát ban 5 ngày nên nếu chỉ cách ly bệnh nhân thì không đủ để kiểm soát lây lan bệnh sởi.
Do đó, vấn đề quan trọng ở đây vẫn là chủ động tiêm phòng bệnh sởi đúng lịch mới có thể kiểm soát được bệnh sởi trong cộng đồng.
Do mầm bệnh vẫn chưa dứt hẳn trong cộng đồng, cộng với tình hình di biến động dân cư và bệnh sởi cũng còn xuất hiện nhiều tỉnh thành trong cả nước nên số ca sởi sẽ còn xuất hiện tại TP trong gian tới nhưng ở mức thấp.
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
 
"Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hằng năm của TP đạt 95%, nhưng mỗi năm vẫn còn đó khoảng 5% số trẻ (khoảng 5.000 trẻ) chưa được tiêm chủng mũi sởi 1. Như vậy, sau 5 năm thì có đến khoảng gần 20.000 trẻ chưa được tiêm chủng. Đây là lý do quan trọng làm cho bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng sau mỗi 4-5 năm tại TP, cũng như cả nước".
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.