TP.HCM cần khoảng 77.000 vị trí việc làm trong quý 2/2024

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
08/04/2024 08:19 GMT+7

Dự kiến quý 2/2024, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM cần khoảng 77.000 vị trí việc làm.

Ngày 8.4, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, những tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội thành phố có nhiều điểm sáng như doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn nguồn vốn so với cùng kỳ; thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm có sự tăng trưởng cao, 9 ngành kinh tế dịch vụ tăng trưởng khá ổn định.

TP.HCM cần 77.000 vị trí việc làm trong quý 2 | CDKT

Những ngành gặp khó khăn trong năm 2023 như dệt may - da giày, chế biến gỗ đã bước đầu vượt qua khó khăn và nhiều doanh nghiệp đã tìm được đơn hàng mới. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng, tập trung phần lớn ở lao động qua đào tạo và người lao động có kinh nghiệm làm việc.

So sánh quý 1/2024 với cùng kỳ năm 2023, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động không có nhiều biến động và vẫn tập trung ở trình độ đã qua đào tạo. Người lao động hiện ngày càng quan tâm đến việc làm linh hoạt và chủ động về thời gian. Nhiều lao động muốn "nhảy việc" để tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức nên người lao động cần cân nhắc khi chuyển đổi việc làm.

Theo dự báo, quý 2/2024, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng, kế hoạch năm. Thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

TP.HCM cần khoảng 77.000 vị trí việc làm trong quý 2/2024- Ảnh 1.

Tình hình lao động - việc làm tại TP.HCM những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc

NHẬT THỊNH

Về dự kiến nhu cầu nhân lực quý 2, TP.HCM cần khoảng 75.470 - 77.168 chỗ làm việc.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần 12.301 - 12.577 chỗ làm việc (chiếm 16,8% tổng nhu cầu), ở các ngành cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 49.318 - 50.428 chỗ làm việc (chiếm 60,05% tổng nhu cầu). Trong đó ngành thương mại (chiếm 22,82%); vận tải, kho bãi dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (chiếm 2,76%); du lịch (chiếm 3,24%); bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông (chiếm 3,05%); tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm (chiếm 4,23%); kinh doanh tài sản - bất động sản (chiếm 9,22%); dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ (chiếm 12,5%); giáo dục - đào tạo (chiếm 2,01%); y tế (chiếm 0,22%).

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,41% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 24,9%; cao đẳng chiếm 17,63% ; trung cấp chiếm 25,18%; sơ cấp chiếm 18,7%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp với 13,59% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, bên cạnh trình độ chuyên môn, người lao động cần chủ động tự trang bị tốt các kỹ năng nghề, kỹ năng mềm nhằm thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và tìm thêm được nhiều cơ hội phát triển bản thân.

Phía doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng lâu dài gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, có chính sách chi trả lương - thưởng cho người lao động rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn.

Doanh nghiệp cần quan tâm đến các chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện. Cùng với đó, phải không ngừng đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường trong bối cảnh mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.