TP.HCM cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/08/2020 07:30 GMT+7

Để đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, TP.HCM cần nâng tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên 5 - 7% tổng chi ngân sách, hoặc 2% GRDP của TP trong 5 năm tới.

Hôm qua (23.8), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đưa đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông vào văn kiện đại hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Báo cáo chính trị, kinh tế, xã hội với các đột phá trong phát triển TP.HCM không những được người dân TP quan tâm mà còn được cả nước quan tâm. Báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, rà soát, hoàn thiện rất nhiều lần. Nội dung đúc kết từ thực tiễn, không xa rời thực tiễn, thể hiện rõ ràng, nhất quán yêu cầu, định hướng phát triển các lĩnh vực của TP. Các nội dung phân tích, đánh giá, nhận định trong dự thảo báo cáo thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc, rõ ràng cả về kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ qua; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, giải pháp chủ yếu rất sát với tình hình TP.
Với tư cách là trung tâm của vùng thì TP.HCM cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương và cùng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam giải bài toán phát triển vùng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng khẳng định dự thảo văn kiện đại hội Đảng của TP.HCM cũng đã thể hiện được những tư tưởng lớn, tầm nhìn, định hướng lớn cùng với hệ thống các giải pháp tương đối sâu sắc và toàn diện với 24 chỉ tiêu phát triển cụ thể.
Nhất trí với đánh giá tình hình như trong dự thảo báo cáo của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng TP đạt được những thành quả lớn lao nhưng cũng có những điểm nghẽn. Đó là tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chưa tương xứng với tiềm năng. Văn hóa, xã hội có những mặt còn bất cập, khoảng cách phát triển, chênh lệch mức sống ở một TP lớn là vấn đề đặt ra. Nếu TP cứ đi theo mô hình cũ thì khó có thể phát triển; nếu không đổi mới cách làm, không có sự tăng năng suất lao động cần thiết, thì GRDP của các địa phương khác có thể bắt kịp và vượt TP.HCM. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh môi trường đầu tư cần thông thoáng, cởi mở, thu hút hơn nữa.
Một nguy cơ nữa trong quá trình phát triển, theo Thủ tướng, là với cơ cấu dân số và tỷ lệ sinh hiện nay thì trong khoảng 15 năm nữa, TP.HCM sẽ đối mặt tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính.
Đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị một TP 15 triệu dân là điểm then chốt để TP.HCM có thể thành công. Lựa chọn cán bộ giỏi, vừa có đức, vừa có tài để gánh vác sứ mệnh của thành phố là vô cùng quan trọng; phải vừa vận dụng đúng pháp luật và giải quyết được bài toán phát triển của TP.
Thủ tướng cũng lưu ý, với một TP lớn, không chỉ vấn đề phát triển kinh tế mà phải chú trọng giải quyết vấn đề xã hội như an ninh trật tự, ùn tắc giao thông… Bên cạnh lo lâu dài thì cũng phải quan tâm vấn đề trước mắt.
TP.HCM cần phấn đấu sớm trở thành TP công nghiệp thông minh, hiện đại ẢNH: ĐỘC LẬP

TP.HCM cần phấn đấu sớm trở thành TP công nghiệp thông minh, hiện đại

ẢNH: ĐỘC LẬP

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, Thủ tướng đề nghị TP phân tích, đánh giá rõ hơn yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của TP để có giải pháp phù hợp, kịp thời, mang lại hiệu quả, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng, thách thức về biến đổi khí hậu... “Trong đó, cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành TP công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng nói, đồng thời lưu ý phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông phải đúng hướng và cần đề cập điều này ngay trong văn kiện đại hội, chứ không chỉ là đề án riêng. Bên cạnh đó, việc xây dựng TP xanh, TP số, xã hội số, kinh tế số… là những vấn đề đặt ra trực tiếp đối với TP.HCM.

Nếu thành lập, thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM sẽ như thế nào?

Ủng hộ 4 đề án đột phá

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP tính toán phù hợp hơn, trong đó, chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người mà TP đưa ra là thấp so với tầm vóc và định hướng phát triển của mình.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên là cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bởi TP.HCM cũng như Hà Nội không thiếu nguồn lực, mà thiếu cơ chế chính sách để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Và nếu làm tốt thì nguồn lực rất lớn, đặc biệt là quản lý đất đai, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất hiệu quả thì hoàn toàn đủ nguồn lực cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu của TP và liên vùng. Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng TP.HCM cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Do đó, cần nâng tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên 5 - 7% tổng chi ngân sách, hoặc 2% GRDP của TP trong 5 năm tới. Với tư cách là trung tâm của vùng thì TP.HCM cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương và cùng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam giải bài toán phát triển vùng.
Thủ tướng cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với 4 đề án đột phá của TP.HCM, gồm đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho TP.HCM; đề án thành lập TP.Thủ Đức; đề án phát triển trung tâm tài chính TP.HCM. Như với đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách... là để TP có “chiếc bánh ngân sách” lớn hơn. Về đề án thành lập TP.Thủ Đức, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Trong khi với đề án phát triển trung tâm tài chính TP.HCM, Thủ tướng đề nghị TP.HCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lý, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính TP.HCM.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Phấn đấu đạt GRDP bình quân trên 8.500 USD/người cuối 2025

Theo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế TP trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng trưởng khá và ổn định, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm; lực lượng lao động 4,7 triệu người. Tỷ trọng kinh tế TP trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm gần 23% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước.
Đến năm 2020, thu ngân sách TP chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%); ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 1,85 triệu tỉ đồng, đạt 101,6% so với dự toán và tăng 55,49% so với giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng thu bình quân là 7,59%. Trong đó, thu nội địa là hơn 1,21 triệu tỉ đồng.
Quy mô GRDP TP tăng từ 919.000 tỉ đồng năm 2015 lên 1,49 triệu tỉ đồng vào năm 2020.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, TP đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ GRDP bình quân hằng năm khoảng 8,5%, duy trì tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP trên 60%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người, gấp 1,3 lần năm 2020 (dân số dự kiến 2020 là 9,2 triệu người và 2025 là 10,2 triệu người)...
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.