TP.HCM cần cơ chế vượt trội để đột phá

14/10/2022 06:02 GMT+7

Các ý kiến của Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo bộ ngành đều thống nhất cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho TP.HCM, với những cơ chế vượt trội, phù hợp đặc điểm đô thị và phát triển xứng tầm.

Chiều 13.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2022 và kết quả thực hiện 2 nghị quyết: Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội (QH).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND TP.HCM chiều 13.10

TTBC TP.HCM

Hạ tầng quá tải

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả của TP.HCM đạt được sau 9 tháng, đồng thời lưu ý “chúng ta không quá say sưa với thành công ban đầu mà thấy được những khó khăn rất lớn hiện nay” để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, nhất là về thể chế, chính sách.

Là đại biểu (ĐB) đầu tiên nêu ý kiến, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết TP.HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người hàng đầu cả nước, nhiều người thu nhập cao, nhiều xe sang nhưng “không sạch, không đẹp và an toàn”. Những vấn đề cố hữu về hạ tầng như: kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện, trường học, nhà ở… xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chậm trễ của các tuyến đường sắt đô thị, việc cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu.

Từng có nhiều năm công tác tại TP.HCM, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí dẫn chứng, TP.HCM có dân số đông nhất cả nước. Đây là nguồn lực phát triển nhưng cũng dẫn tới mặt trái làm quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiều nhiệm kỳ qua, các chính sách đầu tư của TP.HCM đều phải chạy theo tốc độ gia tăng dân số nhưng kết quả thì luôn không theo kịp. Chưa kể, TP.HCM có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành sớm nhưng đến nay hiệu quả không cao. “Cách đây 15 năm, Khu công nghiệp Tân Bình được coi là hình mẫu lý tưởng nhưng bây giờ không còn lý tưởng nữa. Không nơi nào phát triển khu công nghiệp sát vách khu dân cư như vậy”, ông Trí nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng nếu không có quy hoạch tốt, TP.HCM không thể khai thác hết tiềm năng, nguồn lực về đất đai, vị trí, điều kiện tự nhiên, con người. Hiện TP.HCM đang tập trung cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chung xây dựng TP.Thủ Đức, lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc. Ông Nghị đề nghị TP.HCM cần quan tâm thêm về không gian ngầm; đồng thời đánh giá, nếu làm tốt những quy hoạch này thì sẽ khai thác tốt nguồn lực, khắc phục các hạn chế bất cập về ùn tắc giao thông, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ủng hộ những gì chưa có trong quy định pháp luật thì cho phép TP.HCM thí điểm, sau đó đánh giá để xây dựng quy định chung cho cả nước, như: thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng, phân khu chức năng trên địa bàn TP.HCM… Bộ Xây dựng ủng hộ phân cấp về cho TP.HCM thực hiện thẩm quyền này theo quy trình do Thủ tướng quy định. “Hiện Nghị quyết 54/2017 không có nội dung này. Nếu được phân cấp sẽ tạo sự chủ động cho TP.HCM trong công tác quy hoạch, kịp thời phục vụ cho đầu tư phát triển”, ông Nghị nói. Ngoài ra, ông Nghị cũng đề nghị TP.HCM rà soát 600 đồ án quy hoạch trên địa bàn xem những quy hoạch nào không khả thi để điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch treo. Theo quy định, 5 năm phải rà soát quy hoạch phân khu và 3 năm phải rà soát quy hoạch chi tiết.

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại ổn định mức 21% đến năm 2025. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, cần nâng lên 23% giai đoạn 2023 - 2025 và nâng lên 25% từ năm 2026 trở đi; đồng thời dùng tỷ lệ 2% tăng thêm này đầu tư cho khoa học - công nghệ (KH-CN).

Phân cấp mạnh mẽ

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý TP.HCM có quy mô lớn nên việc kiểm soát kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường là rất quan trọng. Đánh giá người dân TP.HCM bị áp lực lạm phát nhiều hơn nơi khác, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến về an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế. Các nhiệm vụ trung hạn cần tập trung như: cải cách chính sách, chế độ công vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bởi người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về môi trường đầu tư chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, TP.HCM cần quan tâm đến vấn đề an ninh trật tự, xử lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao; phát động chương trình không xả rác bừa bãi, xây dựng TP.HCM xanh, sạch, đẹp, lấy TP.Thủ Đức làm thí điểm.

Về tổng kết 2 nghị quyết, Chủ tịch nước đánh giá TP.HCM có nhiều kết quả cụ thể nhưng vẫn còn nhiều cơ chế chưa tận dụng được hoặc triển khai chậm, chưa phát huy hết dẫn đến sự phát triển bị kìm hãm. Do đó, các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thống nhất cần tổng kết lại và thảo luận những điểm mới, thay đổi căn bản những thí điểm về cơ chế mới để TP.HCM phát triển tốt hơn, thuận lợi hơn. Thông qua đó, khắc phục những rào cản, hạn chế; tạo tính đồng bộ và thống nhất về pháp lý khi thực hiện nghị quyết, bãi bỏ những nội dung không phù hợp.

“Cần phân cấp giao quyền mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về quy hoạch, đầu tư, xây dựng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và lưu ý TP.HCM cần tập trung xây dựng cơ chế, không chờ đến ngày 31.12.2023 mới trình thông qua QH. Nếu TP.HCM chuẩn bị tốt có thể trình Bộ Chính trị và QH thông qua để năm 2023 có thể triển khai những cơ chế mới như: tự chủ tài khóa, thu thuế bất động sản, xây dựng trung tâm tài chính, tạo quỹ đất và nguồn lực đầu tư nhà ở xã hội, chăm sóc y tế cho người thu nhập thấp, ưu tiên cho KH-CN…

Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần chung là phải tạo điều kiện cho TP.HCM thực hiện các cơ chế mới nhằm tạo thế và lực để giải quyết những bức xúc của “siêu đô thị” như: ùn tắc, ngập nước, sụt lún, vệ sinh đô thị. “Cái gì TP.HCM làm được thì giao cho TP.HCM; phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn với một cơ chế đặc thù hơn, vượt trội hơn và đột phá mạnh mẽ hơn; cái gì xã hội làm được thì giao xã hội làm. Tinh thần là nhà nước nhỏ và xã hội lớn”, Chủ tịch nước nói thêm về phân cấp, phân quyền.

TP.HCM muốn thí điểm những vấn đề mới

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM, đặc biệt là Chủ tịch nước quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét, ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh kiến nghị QH cho áp dụng Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, TP.HCM cũng mong muốn được bổ sung thí điểm một số chính sách về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Về lâu dài, TP.HCM đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển theo nguyên tắc những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp thì cho làm thí điểm. Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể từng nội dung. Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị T.Ư sớm giải quyết dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh thành, trong đó có TP.HCM.

“Chỉ cần đủ nhiên liệu và đường ray an toàn, tốc độ cao…”

Trao đổi tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá sự phục hồi của của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân sau đại dịch Covid-19 đã chứng minh nội lực mạnh mẽ của TP đầu tàu. “Chỉ cần đủ nhiên liệu và một đường ray an toàn, tốc độ cao thì việc tăng tốc của con tàu là trong tầm tay”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói. Ông cũng khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện những vấn đề đang đặt ra trước mắt; khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có.

TP.Thủ Đức cần thẩm quyền tiệm cận cấp tỉnh

Tại buổi làm việc, ĐB Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho biết sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã chuyển sinh hoạt đến Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh và giữ cương vị Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Là ĐB ứng cử ở TP.Thủ Đức, ông Tuấn nhìn nhận với những điều kiện và cơ chế như hiện nay thì khó có điều kiện vượt trội cho TP.Thủ Đức phát triển, đồng thời ủng hộ việc xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức.

“Cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức có 2 cấp, thứ nhất là TP.HCM cho TP.Thủ Đức đặc thù cái gì, và cái nào vượt thẩm quyền thì đề xuất QH ban hành”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh với quy mô dân số, vị trí kết nối, cần coi TP.Thủ Đức tiệm cận cấp tỉnh. TP.Thủ Đức có tiềm năng kết nối trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng với thẩm quyền không khác gì một huyện thì không có không gian để phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.