TP.HCM bỏ tổ dân phố, người dân có bị ảnh hưởng ?

24/11/2022 15:41 GMT+7

Nhiều người dân TP.HCM đồng tình với việc xóa tổ dân phố và tinh gọn lại thành khu phố để giảm bớt đầu mối, tiết kiệm ngân sách nhưng vẫn có ý kiến lo ngại về điều chỉnh giấy tờ hậu sáp nhập.

Theo Quyết định 24/2017 của UBND TP.HCM về quy chế tổ chức và hoạt động của ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố thì quy mô ấp phải phải có từ 500 hộ gia đình trở lên, khu phố phải có trên 700 hộ. Mỗi khu phố có nhiều tổ dân phố, quy mô tổ dân phố tối thiểu 100 hộ, tổ nhân dân tối thiểu 50 hộ.

Khu phố - ấp không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi, phát huy các hình thức hoạt động tự quản.

Vẫn còn khu phố

Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND P.An Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, phường có 5 khu phố, chia thành 92 tổ dân phố. Nhiệm vụ của khu phố khá nhiều như như triển khai các chủ trương, chính sách xuống tổ dân phố và cộng đồng dân cư, thu thuế… Tương tự, tổ dân phố cũng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân, thu các loại quỹ, thu thuế phi nông nghiệp, bình xét gia đình văn hóa, sinh hoạt định kỳ.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 4, P.5 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trao học bổng cho học sinh hiếu học trên địa bàn

C.T.V.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam (Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 4, P.5, Q.Bình Thạnh) có hơn 6 năm tham gia hoạt động ở khu phố kiêm tổ trưởng tổ dân phố đánh giá, khu phố, tổ dân phố như cánh tay nối dài của UBND phường xuống địa bàn khu dân cư.

Theo ông Nam, người dân thường liên hệ tổ dân phố, khu phố phản ánh các vấn đề thiết thân như chuyện chó thả rông, ca hát ồn ào, ăn nhậu, đánh nhau, ống cống bị vỡ… UBND phường và khu phố đều lập nhóm Zalo để nhận phản ánh của người dân và xử lý theo thẩm quyền, như ống cống bể thì báo UBND phường, ăn nhậu đánh nhau thì báo công an.

Ngoài ra, ông Nam cho biết người dân cũng thường liên hệ khu phố để xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn trước khi đưa lên phường cấp giấy xác nhận. Cuối năm, các đảng viên cũng cần xác nhận của Bí thư chi bộ, còn công chức, viên chức thì liên hệ trưởng ban công tác mặt trận xác nhận về việc sinh hoạt tại địa phương nơi cư trú.

Ông Nam cho hay, các giấy tờ trên đều làm ở khu phố nên việc xóa tổ dân phố không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết, người dân có thể liên hệ khu phố hoặc UBND phường để làm hồ sơ.

Lo không nắm chắc địa bàn khi xóa sổ tổ dân phố

Đánh giá về hoạt động của khu phố, tổ dân phố trên địa bàn phường, ông Phạm Thanh Phương nhìn nhận, đa số các nhân sự tham gia là những người về hưu, có tâm huyết với công việc cộng đồng. Dù vậy, những người này không có lương mà chỉ có phụ cấp và hỗ trợ thêm. Riêng với các tổ trưởng và tổ phó tổ dân phố, ông Phương cho biết, một số trường hợp bầu ra... cho có vì hầu hết công việc toàn do khu phố với phường làm.

“Như cuối năm thu thuế đất phi nông nghiệp, tổ trưởng tổ dân phố được trích phần trăm nhưng cũng có người quên, đến khi hết hạn thì công chức phường phải đi phát thông báo lại”, ông Phương nói. Chưa kể, thực tế “tiếng nói” của các tổ trưởng tổ dân phố không mạnh, người dân không nghe, nhất là các khu nhà trọ, khác với cảnh sát khu vực.

Người hoạt động không chuyên trách tại ấp ở xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường

C.T.V.

Theo phương án mà TP.HCM đang xây dựng, mỗi khu phố từ 450 hộ trở lên, có thể gom 3 - 5 tổ dân phố thành 1 khu phố, hoặc tách 1 khu phố hiện hữu thành 2 - 3 khu phố mới.

Một vấn đề mà Chủ tịch UBND P.An Phú (TP.Thủ Đức) lo ngại khi gom các tổ dân phố thành các khu phố chính là điều chỉnh nhiều giấy tờ liên quan đến người dân. Ông Phương thông tin, phường chỉ lập đề án thành lập tổ dân phố mới đối với các chung cư, khu dân cư mới và hạn chế việc sáp nhập, chia tách khu phố, tổ dân phố hiện hữu vì ảnh hưởng đến nhiều đến giấy tờ.

“Hiện nay căn cước công dân chỉ ghi nơi ở đến cấp phường nhưng một số giấy tờ trước đây ghi địa chỉ cụ thể đến từng tổ dân phố, khu phố”, ông Phương nói thêm.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 4 (P.5, Q.Bình Thạnh) đồng tình với phương án sắp xếp của TP.HCM bởi khi bộ máy tinh gọn, hoạt động sẽ không bị trùng lắp, không còn dẫm chân nhau và không tốn kém kinh phí của nhà nước.

Hiện các khu phố ở TP.HCM có tối đa 13 chức danh hưởng phụ cấp nhưng theo ông Nam, nhiều người chỉ “có mặt đặt tên” nhưng hằng tháng vẫn nhận phụ cấp. Cụ thể, các tổ trưởng, tổ phó hằng tháng chỉ nhận 300.000 - 500.000 đồng/người thì không bao nhiêu nhưng cộng lại cả phường, cả quận thì con số sẽ rất lớn. Chưa kể, các chi hội cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ, đoàn thanh niên, khuyến học… cũng nhận phụ cấp nhưng hoạt động lại mờ nhạt.

Dù vậy, với số lượng 450 hộ/khu phố nhưng chỉ có 3 nhân sự (bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành và trưởng ban công tác mặt trận), ông Nam đặt vấn đề liệu có thể quán xuyến nổi số lượng cư dân hay không.

Mô hình tổ chức tự quản 2 cấp dưới phường, xã được xây dựng từ năm 1985 và tồn tại đến nay, nhưng việc tổ chức thêm tổ dân phố, tổ nhân dân bên dưới khu phố, ấp không phù hợp với quy định chung. Toàn TP.HCM có 27.377 tổ chức dưới phường, gồm 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân với tổng nhân sự gần 64.300 người.

Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất phương án sắp xếp lại mô hình tự quản dưới phường, xã, thị trấn sẽ không còn tổ dân phố - tổ nhân dân mà chỉ có khu phố - ấp. Mô hình này nhập từ 3 - 5 tổ dân phố, tổ nhân dân hiện hữu thành một khu phố, ấp với số hộ bình quân khoảng 450 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã; hoặc chia nhỏ các khu phố, ấp hiện hữu thành 2 - 3 khu phố, ấp mới. Với phương án trên, TP.HCM chỉ còn 5.242 khu phố - ấp, giảm gần 80%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.