TP.HCM: Bác sĩ trẻ băn khoăn có nên chọn làm việc tại các trạm y tế?

25/02/2024 16:56 GMT+7

Nhiều bạn sinh viên ngành y đang băn khoăn với các dự định làm việc ở bệnh viện tuyến trên hay về tuyến cơ sở, trong đó có trạm y tế.

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng 25.2, Sở Y tế TP.HCM và Đoàn trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch phối hợp tổ chức tọa đàm chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y". Tại buổi tọa đàm, vấn đề sau khi ra trường chọn việc làmtrạm y tế hay các bệnh viện cũng được đặt ra cho các sinh viên y.

Bác sĩ trẻ sẵn sàng về làm việc tại trạm y tế xã, phường

Chia sẻ về việc các bác sĩ trẻ đã về làm việc tại các cơ sở y tế địa phương, trạm y tế, bác sĩ Hà Hiếu Trung - Phó bí thư đoàn Sở Y tế TP.HCM cho biết, chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp do Sở Y tế TP.HCM tổ chức, là một trong những chương trình nổi bật của ngành y tế trong năm qua.

Đặc biệt, đối với chương trình đưa các bác sĩ trẻ về Trạm y tế xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ) thì sẽ luân phiên mỗi lần có 2 bác sĩ trẻ đến làm việc tại trạm y tế xã đảo để gắn bó và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân xã đảo.

TP.HCM: Bác sĩ trẻ băn khoăn có nên chọn làm việc tại các trạm y tế?- Ảnh 1.

Buổi tọa đàm Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ ngành y tại Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch

DU YÊN

"Thời gian gắn bó với người dân trên đảo chỉ khoảng vài tháng, đây không chỉ là cơ hội để các bác sĩ trẻ thay đổi không gian làm việc, giải tỏa áp lực ở thành phố mà còn là nơi thử thách bản thân ở khía cạnh khác và nâng cao kinh nghiệm chuyên môn thực tế", bác sĩ Trung nói.

Tại buổi tọa đàm, nhiều sinh viên muốn tìm hiểu kỹ về chương trình thực hành tại trạm y tế vì lo sợ sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Trung, việc các bác sĩ trẻ đi về đơn vị y tế cơ sở sẽ là cách để đi về phía người dân gần nhất, hiểu người dân và có thêm nhiều kinh nghiệm sâu sát hơn.

TP.HCM: Bác sĩ trẻ băn khoăn có nên chọn làm việc tại các trạm y tế?- Ảnh 2.

Bác sĩ trẻ thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế được chọn cơ sở làm việc khi kết thúc thời gian thực hành

DUY TÍNH

Phó bí thư đoàn Sở Y tế TP.HCM cho biết có nhiều bác sĩ trẻ sau khi kết thúc thời gian thực hành và được cấp chứng chỉ nghề, nhiều bác sĩ trẻ đã chọn ở lại các cơ sở y tế địa phương làm việc và gắn bó lâu dài. Sự dấn thân và nhiệt huyết của tuổi trẻ ngành y tế trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 đã cho thấy rằng các nhân viên y tế trẻ của thành phố không chỉ có sự thông minh mà còn có nhiệt huyết dấn thân, vượt khó.

Điều đó thể hiện qua việc các bác sĩ trẻ chọn ở lại y tế cơ sở gần dân, các bác sĩ chuyên khoa chấp nhận điều chuyển về các cơ sở y tế địa phương, các bác sĩ trẻ chấp nhận về các cơ sở y tế còn khó khăn thiếu thốn để tiếp tục phát huy sức trẻ…

Đưa bác sĩ trẻ về xã đảo, dân mến dân thương

Kể từ khi triển khai chương trình bác sĩ trẻ thực hành tại trạm y tế, chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh của các bác sĩ trẻ trở nên rất thân thuộc với người dân xã đảo Thạnh An.

Bác sĩ Trần Công Hùng (công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM) là một trong những bác sĩ trẻ tham gia chương trình tình nguyện luân phiên có thời hạn tại xã đảo Thạnh An vào tháng 6.2023.

Sau chuyến công tác, bác sĩ Hùng nhận thấy chương trình có ý nghĩa không chỉ cho người dân xã đảo mà còn có ý nghĩa rất nhiều cho bản thân.

TP.HCM: Bác sĩ trẻ băn khoăn có nên chọn làm việc tại các trạm y tế?- Ảnh 3.

Bác sĩ trẻ chọn cơ cở làm việc tại ngày hội việc làm do Sở Y tế TP.HCM tổ chức năm 2023

DUY TÍNH

"Là một bí thư của bệnh viện với tinh thần xung kích của thanh niên, cũng là một bác sĩ trẻ mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho người dân nên tôi đã đăng ký tham gia chương trình. Tuy nhiên, tôi cũng không tránh khỏi lo lắng liệu năng lực của mình có đủ đáp ứng; nơi làm việc và cuộc sống xa lạ…", bác sĩ Hùng nói.

Theo bác sĩ Hùng, ấn tượng đầu tiên khi bác sĩ đến trạm y tế của xã đảo là cảm nhận được sự khó khăn khi di chuyển từ đất liền ra xã đảo và ngược lại. Quãng đường phải đổi nhiều phương tiện di chuyển khiến người dân rất khó khăn để có thể thường xuyên tiếp cận các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.

Khi làm việc, bác sĩ Hùng cho hay trạm y tế của xã đảo khác rất xa so với các trạm y tế ở trung tâm thành phố. Bình thường, ở thành phố khi người dân địa phương gặp một vấn đề về sức khỏe thì họ thường chọn khám ở các bệnh viện hoặc các phòng khám. Tuy nhiên, trên xã đảo dù là bệnh gì thì hầu hết người dân đều đến trạm y tế. Do đó, đội ngũ nhân viên y tế ở trạm y tế cũng như các bác sĩ trẻ chưa có đủ kinh nghiệm gặp nhiều khó khăn.

"Người dân ở xã đảo Thạnh An rất dễ thương và niềm nở, đặc biệt là người dân tại khu nhà trọ lưu trú trên đảo. Cô chủ trọ lo cho các bác sĩ trẻ từng bữa ăn giấc ngủ. Bên cạnh đó, những nhân viên y tế ở trạm đã đón tiếp chúng tôi rất niềm nở để các bác sĩ không bỡ ngỡ khi làm việc ở một môi trường xa lạ. Điều đó nhắc nhở với chúng tôi rằng phải làm việc chăm chỉ, tận tụy và hướng tới mục tiêu mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của người dân xã đảo", bác sĩ Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.