TP.HCM thích ứng với Covid-19: Tâm lý 'giữ mình, không dám ra đường', chuyên gia nói gì?

29/11/2021 11:18 GMT+7

Không dám ra khỏi nhà sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách vì vẫn còn sợ dịch Covid-19 là tâm trạng của không ít người dù nhịp sống ở TP đã nhộn nhịp trở lại. Chuyên gia lí giải và đưa lời khuyên thế nào về vấn đề này?

TP.HCM nhộn nhịp trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội gần 2 tháng nay

CAO AN BIÊN

Sau gần 2 tháng nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước thích ứng với dịch bệnh, số ca nhiễm mới Covid-19 ở TP.HCM ở mức hơn 1.000 ca/ngày. Bên cạnh những người bắt đầu ra đường kiếm tiền, thư giãn thì vẫn còn một bộ phận người dân “không dám ló đầu ra khỏi cửa”. Vì sao vậy?

Sợ ra đường bị nhiễm

Từ khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát tại TP.HCM, cũng là lúc chị C. mất việc, kẹt lại cùng người bạn trong một phòng trọ trên đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh). Suốt hằng tháng trời giãn cách, mọi sinh hoạt của chị đều gói gọn trong căn phòng trọ chừng 40 mét vuông, bằng mọi giá, chị quyết tâm “giữ mình” không bị nhiễm Covid-19.

Thời điểm đó, chị có dự định theo những đoàn xe để về lại quê, song vì nhiều lý do chị vẫn chưa thể đoàn tụ cùng gia đình ở quê. Sau đó, miền Tây bắt đầu bùng dịch, gia đình cũng khuyên C. ở yên nên ý định trở lại quê của cô gái trẻ coi như phá sản.

Nhịp sống "bình thường mới", người dân TP.HCM săn sale Black Friday tại một trung tâm thương mại

CAO AN BIÊN

“Từ ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách, người dân được ra đường để ăn uống, làm việc, vui chơi, tôi vẫn không dám bước ra khỏi nhà dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Vero Cell vì đã quen với cuộc sống ở yên một chỗ. Đã giữ mình suốt mấy tháng nay, giờ ra đường rồi bị nhiễm thì coi như công sức đổ sông đổ biển. Bị nhiễm rồi tính sao?”, chị nói.

Lần duy nhất chị rời khỏi nhà trong 2 tháng qua là để làm hồ sơ công chứng giấy tờ cá nhân cho một kỳ thi tiếng Anh quan trọng. Còn lại, mọi hàng hóa thiết yếu chị đều mua thông qua shipper và thanh toán online để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chị tâm sự bên cạnh lý do lớn nhất mình chưa dám ra khỏi nhà vì nỗi ám ảnh đối với Covid-19 thì hiện công việc mới mà chị đang làm cũng không đòi hỏi chị phải đến công ty.

Những ngày qua, chị C. vẫn ám ảnh Covid-19, chưa dám ra khỏi nhà

T.C

Mùa dịch, hẻm trọ nhà chị C. có ca nhiễm, bị phong tỏa khiến chị vẫn còn ám ảnh

T.C

“Nếu chưa có điều gì quá quan trọng thúc giục mình rời khỏi nhà thì thôi, mình cứ ở yên trong đây vậy. Lần duy nhất chạy xe ra ngoài đó, tôi sợ lắm, về rửa tay mấy chục lần, test lại 2 lần coi có sao không mà vẫn chưa yên tâm. Dịch này bị nhiễm dù có được chữa khỏi thì không ai biết biến chứng lâu dài ra sao, đâu ai nói trước được”, chị C. quan ngại.

Có lần, chị “làm liều” quyết tâm hẹn người bạn thân của mình một bữa ăn tại quán, tuy nhiên vừa sát đến giờ hẹn thì nhận được tin nhắn người bạn: “Ê! Tao F0 rồi” khiến chị mất hồn trong vài giây. Kể từ lần đó, chị lại càng quyết tâm ở yên trong nhà.

Tương tự chị C., bà N.T.TH (49 tuổi, ngụ Q.7) cũng ám ảnh mỗi lần phải ra khỏi nhà. Sau khi cuộc sống ở TP.HCM “bình thường mới” trở lại, bà vẫn không dám ra ngoài nhiều lần, không dám đến chợ truyền thống, siêu thị đông người hay họp mặt bạn bè ở các quán ăn.

“Trừ khi có những việc quan trọng như chở con tôi đi tiêm vắc xin thì lúc đó tôi mới dám ra thôi, còn cái gì có thể làm tại nhà được thì cứ làm. Mọi người ra đường hòa nhập vào cuộc sống mới cũng là sự lựa chọn của họ, tôi cũng có sự lựa chọn của mình. Dù có 2 mũi vắc xin, nhưng nhiễm bệnh rồi thì mệt lắm, đâu ai nói trước được điều gì đâu”, bà nói.

Ra khởi nhà khi TP.HCM còn nhiều ca nhiễm với một số người vẫn là một nỗi sợ

CAO AN BIÊN

Bà H. trong lần hiếm hoi ra ngoài chở con gái đi tiêm vắc xin sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách

CAO AN BIÊN

Trong khi đó, anh T.P (22 tuổi, trọ Q.Bình Thạnh) vừa từ quê Cà Mau lên TP.HCM để đăng ký một khóa học tiếng Anh cách đây không lâu, sau khi anh về lại quê lúc TP mới bắt đầu bùng dịch hồi tháng 6. Suốt thời gian ở quê, anh chỉ ở yên trong nhà vì tình hình dịch bệnh ở đó khá phức tạp, rồi khi quay lại TP.HCM anh càng dè chừng hơn. Sau ngày đến trung tâm để đăng ký, anh Phú cũng chỉ ở yên trong nhà không dám ra ngoài nửa bước.

Anh cho biết bản thân còn trẻ, không có bệnh nền, đã tiêm đủ vắc xin hồi còn ở quê, nhưng nỗi sợ Covid-19 trong anh vẫn "lơ lửng". Anh sợ rằng nếu chẳng may bản thân nhiễm bệnh rồi lây lan cho người khác thì “tội lỗi lắm”!

“Lên Sài Gòn, tôi ngạc nhiên vì đường sá đông đúc không khác gì hồi trước dịch cả, nhưng không hiểu sao mỗi lần đến mấy chỗ đông là thấy ám ảnh, bứt rứt trong người. Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh chắc tôi sốc kinh khủng, không biết tính sao”, anh cho hay.

Covid-19 sáng 29.11: Cả nước 1.210.340 ca nhiễm | Biến thể Omicron khiến cả thế giới bất an

Chuyên gia nói gì?

TS.Lê Minh Công (Chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) là người đã cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần lập ra dự án: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” hồi tháng 7.2021.

Ông Công nhận định việc sợ lây nhiễm nên né tránh một số hoạt động xã hội như không ra ngoài, ngại chỗ đông người, ngại vào siêu thị,... có thể chỉ là một trạng thái tâm lý khá bình thường, nhất là khi cá nhân tiếp cận khá nhiều thông tin nguy cơ của dịch bệnh hàng ngày và mức độ thông tin tiêu cực cao.

Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho thấy, có một mức độ không nhỏ cá nhân có các triệu chứng ám ảnh sợ xã hội hoặc ám ảnh cưỡng chế, nhất là với các cá nhân thiếu năng lực ứng phó với khủng hoảng/stress và trước đó có khả năng họ có nhiều nguy cơ như bị cách ly y tế, có người nhà nhiễm hoặc tử vong vì Covid-19, nhân viên y tế … Ngoài ra, có nhiều cá nhân có rối loạn nhân cách né tránh từ trước đó, khi phải đối diện với bối cảnh Covid-19 cũng có thể gia tăng các lo âu và né tránh các hoàn cảnh xã hội.

TS.Lê Minh Công lập ra dự án: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” hồi tháng 7.2021, tư vấn, trị liệu cho nhiều trường hợp mắc chứng rối loạn tâm thần trong đại dịch

nvcc

Theo các chuyên gia, các triệu chứng ám ảnh sợ xã hội hoặc ám ảnh cưỡng chế do dịch Covid-19 có thể do trước đó cá nhân có nhiều nguy cơ như bị cách ly y tế, có người nhà nhiễm hoặc tử vong vì Covid-19, nhân viên y tế...

CAO AN BIÊN

Chuyên gia này dự đoán chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ xã hội hoặc cưỡng chế cũng như nhiều rối loạn tâm thần liên quan đến stress khác như trầm cảm, lo âu lan tỏa, hoảng sợ, stress hậu sang chấn, triệu chứng cơ thể hóa... sẽ là những vấn đề gia tăng trong và sau đại dịch.

Ông nói thêm: “Có nhiều rối loạn di chứng lâu dài, kể cả vài năm sau khi kết thúc đại dịch. Các nhóm có ám ảnh sợ xã hội đáng kể phải là nhân viên y tế thường xuyên làm việc với bệnh nhân dương tính, bệnh nhân dương tính phải điều trị nội trú, cá nhân tiếp xúc gần và phải cách ly, hoặc các cá nhân trải nghiệm với mất mát của gia đình như người thân qua đời vì Covid-19”.

Các chuyên gia tâm lý cho biết chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ xã hội hoặc cưỡng chế cũng như nhiều rối loạn tâm thần liên quan đến stress gia tăng trong và sau đại dịch Covid-19

NVCC

Nói về dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch”, TS.Lê Minh Công cho biết hiện các bác sĩ, chuyên gia đã tiếp nhận tư vấn, trị liệu cho khoảng gần 1.000 bệnh nhân, đa số trong đó có các rối loạn tâm thần.

“Chúng tôi gặp khá nhiều trường hợp có rối loạn lo âu ám ảnh sợ xã hội, cưỡng chế, đồng thời có gặp những trường hợp rối loạn nhân cách né tránh. Điều đặc biệt là trong thực hành lâm sàng, rất ít bệnh nhân rối loạn nhân cách đi gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần trực tiếp, nhưng qua hình thức từ xa thì họ lại liên hệ để được hỗ trợ”, ông Công thông tin.

Làm gì khi quá lo âu, sợ hãi với dịch bệnh?

Theo TS. Lê Minh Công, tùy vào tình huống cụ thể mà cá nhân có các chiến lược khác nhau, như sau:

  1. Với cá nhân có trải nghiệm lo âu, sợ hãi khi đối diện với dịch bệnh và sợ ra ngoài mà không phải bệnh lý thì chỉ cần có các chiến lược ứng phó, phòng ngừa. Ví dụ, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm, cách thức phòng chống dịch bệnh Covid-19 để từ đó có suy nghĩ đúng, tích cực tránh nguy cơ suy nghĩ tiêu cực và có các hành vi tiêu cực. Thứ hai, cần có các chiến lược ứng phó stress tổng thể ngay cả trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 như hạn chế theo dõi tin tức độc hại, có chế độ sinh hoạt và thói quen sống tích cực, vận động thể chất, kết nối xã hội...
  2. Với những người thấy sự lo sợ/ ám sợ của mình làm cho cá nhân rất nhiều khó khăn, không thể hòa nhập được vào cuộc sống và gây tiêu cực cho cuộc sống thì cần gặp các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được khám xét, đánh giá kỹ lưỡng và có các chiến lược điều trị về y khoa và tâm lý lâm sàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.