TP.HCM: Sốt xuất huyết gia tăng, hỗ trợ Hóc Môn chống dịch

Duy Tính
Duy Tính
25/05/2022 20:31 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã có hơn 9.400 ca sốt xuất huyết, trong đó có 7 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết hết sức lo ngại.

Ngày 25.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và làm việc với UBND H.Hóc Môn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại H.Hóc Môn

DUY TÍNH

Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ

Đoàn đã đi kiểm tra tại Trạm Y tế xã Thới Tam Thôn, 2 khu vực xung quanh nơi có ca bệnh sốt xuất huyết tử vong (tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn), Trường Tiểu học Tam Đông và Trường Mầm mon 2.9.

Tại hầu hết các điểm kể trên, đoàn kiểm tra đều thấy lăng quăng trong các vật chứa nước, trên nắp thùng chứa nước, trong các lọ nước cho gà uống…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức gặp gỡ người dân và kêu gọi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết để tránh bị bệnh chuyển nặng và tử vong.

Tại trường học, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị hiệu trưởng tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng; đồng thời yêu cầu nhà trường dặn dò các cháu học sinh bỏ rác đúng nơi, giữ vệ sinh môi trường.

Nguy cơ từ những nơi chứa nước cho gà uống tại các chuồng nuôi gà

DUY TÍNH

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, năm nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có những khác biệt so với năm trước, số ca tăng không quá nhiều nhưng số ca nặng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, đó là diễn biến hết sức lo ngại.

Do lối sống, điều kiện sống, thói quen cả người dân có nguy cơ tạo nên nơi muỗi sinh sản, 1 lọ nước bé tí đã có vài chục con lăng quăng bên trong.

Vào thời điểm sẩm tối thì trẻ em có nguy cơ bị muỗi đốt rất cao, nguy cơ bùng phát dịch. Do đó, việc đảm bảo môi trường sống, ngăn ngừa nguy cơ sốt xuất huyết là rất quan trọng.

“Làm sao mỗi người, mỗi gia đình, khu phố đảm bảo cắt đứt nguồn lây, giữ gìn vệ sinh. Còn thành phố sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hướng dẫn đầy đủ người dân có biện pháp mạnh mẽ, hạn chế tối đa những thiệt hại. Bệnh nào nặng cũng có nguy cơ gây tử vong, do đó cần chung tay để chặn đứng tất cả các loại bệnh”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói tại cuộc kiểm tra thực tế.

Dịch sốt xuất huyết ở Hóc Môn luôn "nổ" ra trước

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, H.Hóc Môn có 773 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021 và có 1 ca tử vong. Toàn huyện có 53 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11/12 xã.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức lấy từ chuồng gà nhà dân ra một hũ nước chứa đầy lăng quăng

DUY TÍNH

Cũng theo bà Châu, H.Hóc Môn có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi hoặc dùng tưới cây cảnh… tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt các giải pháp để kéo giảm dịch bệnh dưới sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC), Sở Y tế…

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC nhận định, sốt xuất huyết đang tăng tại TP.HCM và 20 tỉnh phía Nam. H.Hóc Môn đứng trong 5 quận huyện có số ca mắc, tính trên 100.000 dân đứng thứ 3. Năm nào dịch sốt xuất huyết gia tăng ở TP thì H.Hóc Môn cũng "nổ" ra trước.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khoẻ người dân, do đó cần có sự phối hợp y tế, giáo dục và tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương. Các ban ngành cần thực hiện phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt, thực chất và rốt ráo, nếu thực hiện tốt thì sẽ giúp kéo giảm được dịch. Cần tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt để cho người dân có ý thức đầu tiên là giữ cho mình. Bên cạnh đó là hỗ trợ củng cố cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết cho Hóc Môn

Cùng ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để đánh giá công tác điều trị sốt xuất huyết tại đây.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ ngày 1.1 đến 22.5, có 164 ca sốt xuất huyết nhập viện Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, trong đó có 11 ca nặng. Có 58 ca là bệnh nhi chuyển viện (56 ca chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 ca chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).

Tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có 6 nhân sự, nhưng có 4 bác sĩ mới có chứng chỉ hành nghề, 2 bác sĩ lớn thì có 1 người nghỉ, nếu dịch sốt xuất huyết bùng phát thì sẽ thiếu người có chuyên môn. Do đó, cần tập huấn chuyên môn điều trị sốt xuất huyết cho bác sĩ trẻ. Ngoài ra, tạo group (nhóm) với Bệnh viện Nhi đồng 1 để hội chẩn, quy chế phối hợp, bệnh nặng là phải chuyển viện, hạn chế tối đa giữ bệnh vượt quá khả năng.

Lăng quăng lúc nhúc trong thùng chứa nước tại Trường Tiểu học Tam Đông (H.Hóc Môn)

DUY TÍNH

Về thuốc điều trị sốt xuất huyết, theo bác sĩ Phương, ngay cả các bệnh viện nhi và Sở Y tế cũng lo lắng. Hiện tại, dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn chỉ còn 31 chai, nhưng dung dịch này hiện khó tiếp cận để phục vụ đầy đủ cho bệnh nhân. Nguồn nhập rất khó khăn, phải đặt hàng, do đó tăng cường hội chẩn và chuyển tuyến trên.

“Làm sao phát hiện sốt xuất huyết sớm, nhận biết sốc và điều trị theo phác đồ. Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ hỗ trợ toàn diện cho H.Hóc Môn”, bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết thêm, hiện số người lớn nhập viện do sốt xuất huyết gấp 2 lần nhưng trẻ em bị nặng thì gấp đôi. Điều đáng lo ngại là hầu hết là bác sĩ trẻ ra trường dưới 5 năm chưa có nhiều nhiều kinh nghiệm điều trị. Do đó, cần bố trí nhân sự đồng đều để đáp ứng chuyên môn. Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cần kết nối với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để hội chẩn và chuyển viện nếu vượt quá khả năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.