TP.HCM - siêu đô thị nhưng có 'đáng sống'?

10/06/2022 15:04 GMT+7

Một siêu đô thị như TP.HCM có đồng nghĩa với một thành phố đáng sống?

Hiện nay, định nghĩa siêu đô thị là: những thành phố có dân số trên 10 triệu và mật độ trên 2.000 người/km2. Ở TP.HCM, các chỉ số đó đều đã cao hơn: Dân số thực tế trên 10 triệu người (bao gồm cả người nhập cư, chưa có hộ khẩu, lao động tự do...); mật độ chung 4.292 người/km2 (ở nội đô mật độ cao hơn - từ trên 3.000 người/km2 đến 48.500 người/km2).

Thế nào là một thành phố đáng sống?

Đô thị ở Việt Nam có rất nhiều quy mô: nhỏ nhất là thị tứ, đến thị trấn, thị xã, thành phố loại 4, 3, 2, 1 và “siêu đô thị” (Megacity). Về chất lượng đô thị cũng có những tên gọi khác nhau như thành phố xanh, sạch, đẹp; thành phố phát triển bền vững; thành phố thông minh và có lẽ chất lượng cao nhất được gọi là “thành phố đáng sống” hay thành phố sống tốt.

Vậy thế nào là một thành phố đáng sống? Có rất nhiều quan niệm và nhiều hệ tiêu chí khác nhau.

Đơn cử, WHO đưa ra ba tiêu chí về cảm giác “sảng khoái”: một là sảng khoái về thể chất (sức khỏe, ăn uống, giải trí, đi lại, ngủ, nghỉ…). Hai là sảng khoái về tinh thần (tâm lý, tâm linh…). Ba là sảng khoái về xã hội (quan hệ giữa con người, môi trường xã hội an toàn, môi trường tự nhiên trong lành...). Các tiêu chí này thiên về cảm nhận chủ quan.

Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống của Việt Nam lại quan niệm thành phố đáng sống dựa theo 10 điểm riêng như nhiều cây cầu đẹp, bãi biển đẹp nhất thế giới, cáp treo dài kỷ lục, lễ hội pháo hoa quốc tế, bảo tàng Chăm, là điêu khắc đá, không có người ăn xin, trung tâm ẩm thực miền Trung, con đường di sản Đà Nẵng đến Phong Nha, thời trang du lịch… Các tiêu chuẩn này lại thiên về văn hóa vật thể.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu đô thị người Mỹ Douglass, thành phố sống tốt phải bắt đầu từ các yếu tố thuộc về môi trường như môi trường tự nhiên tốt, môi trường xã hội an toàn, thân thiện và điều kiện phát triển bản thân.

Cách định nghĩa tổng quát nhất thì cho rằng đó phải là thành phố thông minh. Ở đó, 100% cư dân có khả năng chi trả cho mọi sinh hoạt và cảm thấy hòa nhập với nơi mình đang sống…

Như vậy, về lý thuyết, thành phố đáng sống và thành phố sống tốt không có công thức chung để định lượng và định tính. Thước đo chung nhất là sức thu hút cư dân, như cách nói của người xưa - “đất lành, chim đậu”.

TP.HCM đã vượt quá những tiêu chuẩn của một siêu đô thị

ĐỘC LẬP

Siêu đô thị có = đáng sống?

Cũng như các thành phố lớn trên thế giới đều là những trung tâm kinh tế lớn, là động lực phát triển có sức lan tỏa rất mạnh, siêu đô thị của Việt Nam là nơi thu hút được lực lượng lao động rất nhiều, tạo tốc độ tăng trưởng rất cao, tỷ trọng GDP rất lớn. Có thể thấy rõ TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế, có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước, đóng góp hơn 20% GDP cả nước, thu nhập đầu người cao nhất nước…

Tuy nhiên, những hệ quả tiêu cực mà một siêu đô thị mang lại cũng không hề nhỏ. TP.HCM có thể gọi là thành phố “béo phì dân số” vì nó giống như người thừa cân quá nhiều, kéo theo những “căn bệnh mãn tính”.

Bằng chứng là dân số quá đông dẫn đến có nhiều phương tiện giao thông, có nhiều rác thải, nước thải sinh hoạt, khí thải công nghiệp, có nhiều con em đi học, có nhiều người cần chữa bệnh, khó quản lý, kiểm soát, kinh tế thị trường phức tạp hơn… Những hệ lụy đó dẫn đến các vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng, thiếu bệnh viện, thiếu trường lớp, thiếu nhà ở, thiếu trật tự xã hội, nhiều tham nhũng, tiêu cực…

Những vấn nạn trên có thể xuất hiện ở bất cứ đâu nhưng ở siêu đô thị nhiều hơn vì đó là hệ quả khó tránh của tình trạng quá tải dân số và mật độ. Những thành phố có trên 20 triệu dân trên thế giới như ở Mumbai, Mexico City, New York, Tokyo... đều có những căn bệnh đô thị còn lớn hơn.

Nếu chỉ căn cứ vào những chỉ số của các mặt tích cực như thu nhập trung bình đầu người cao nhất nước, tỷ trọng GDP lớn nhất, nhiều cơ hội việc làm, học tập, nhiều khả năng kiếm tiền mưu sinh, khí hậu ôn hòa ấm nóng, ít thiên tai, bão lụt và đặc biệt là đã thu hút hơn 10% dân số cả nước từ hầu hết các tỉnh thành, có thể lập tức khẳng định: TP.HCM là nơi hấp dẫn nhất đối với người Việt hiện nay.

Song, nếu so với các tiêu chí của thành phố đáng sống thì còn có những khoảng cách khá xa. Dân số ngày càng tăng nhưng trên thực tế, nhiều người bị hút đến đây chỉ vì có thể có thu nhập cao hơn nơi khác nên họ bỏ qua các tiêu chí khác về văn hóa, xã hội, môi trường…

Kẹt xe, ngập lụt là những hệ quả tất yếu mà một siêu đô thị mang lại

NHẬT THỊNH

Như vậy, TP.HCM không chỉ là siêu đô thị mà còn quá tải về dân số, mật độ và phân bố dân cư không đều, tạo ra nhiều “điểm trừ” đối với phát triển bền vững và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Nhìn ra bên ngoài, kể cả ở những siêu đô thị giàu có và hiện đại nhất thế giới cũng không đạt được các tiêu chí lý thuyết như có 100% người dân đủ chi trả cho mọi nhu cầu cuộc sống, thậm chí tỷ lệ người nghèo còn cao hơn các thành phố vừa và nhỏ.

Tất cả điều này chỉ ra rằng: Siêu đô thị không đồng nghĩa với thành phố đáng sống hay thành phố sống tốt. Do đó, xu hướng của thế giới ngày nay là phát triển đô thị thông minh có quy mô dân số vừa và nhỏ, đồng thời tìm cách giảm dần dân số và mật độ của các siêu đô thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.