TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ

14/10/2021 12:24 GMT+7

“Thành phố sẽ thí điểm tổ chức kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

“Thành phố đang xem xét đề xuất mở cửa ăn uống tại chỗ của Q.7 một cách thận trọng. Thành phố sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ, có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin bên lề hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra sáng 14.10.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Bộ Y tế có hướng dẫn, TP.HCM đang nghiên cứu, thảo luận để cụ thể hóa các giải pháp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9 diễn ra sáng 14.10

Nguyên vũ

Ông Mãi cho biết thành phố đã lập tổ công tác chuẩn bị cho việc này với sự góp sức của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng. Trong tháng 10, TP.HCM sẽ tổ chức tổng kết công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liệu TP.HCM có mở cửa nhiều hoạt động như Hà Nội hay không, ông Mãi cho biết mỗi thành phố có đặc điểm dịch bệnh khác nhau nên không thể áp dụng các biện pháp giống nhau.

TP.HCM sẽ thí điểm kinh doanh ăn uống tại chỗ

Với đặc điểm đô thị đông đúc, các phường sát nhau, mọi hoạt động được phép mở cửa phải tính toán trong phạm vi cục bộ và tổng thể toàn thành phố. “Ví dụ phường này cho hoạt động này nhưng người tham gia, khách hàng đến từ phường khác, nếu chỉ xử lý cục bộ thì không thể giải quyết được vấn đề. Phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đôi khi mâu thuẫn với nhau nên phải tìm phương án giải quyết hài hòa”, ông Mãi nói và đánh giá đây là vấn đề khó.

TP.HCM hiện chưa trở lại trạng thái bình thường mới

Hiện TP.HCM đang áp dụng các bộ tiêu chí trong các lĩnh vực như sản xuất, giao thông, công thương, du lịch… làm cơ sở để các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ hướng dẫn tạm thời của Trung ương, thành phố sẽ điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với từng lĩnh vực. “Đây là cách tiếp cận chung của thế giới. Các lĩnh vực như học hành, sản xuất, y tế, kinh doanh, dịch vụ… đều có tiêu chí an toàn của lĩnh vực đó. Nó như là phụ lục, sau này có gì thì thay đổi”, ông Mãi thông tin.

TP.HCM sẽ thí điểm hoạt động kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn

ngọc dương

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ sự thận trọng khi trao đổi với báo chí về nhận định tình hình dịch bệnh thành phố trong thời gian tới sẽ diễn tiến như thế nào. Ông Mãi chia sẻ với trải nghiệm bản thân trong hơn 4 tháng về thành phố nhận nhiệm vụ và tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kinh nghiệm thế giới thì “không ai dám nói trước chuyện gì”.

Ngay cả các chuyên gia hàng đầu thế giới, các đánh giá tại thời điểm đó là phù hợp nhưng diễn biến dịch chỉ trong 1-2 tháng sau đó khác đi rất nhiều. Do vậy, đánh giá tại thời điểm đó là đúng nhưng khi diễn tiến dịch bệnh thay đổi thì không còn phù hợp.

Về câu hỏi hiện TP.HCM đã trở lại trạng thái bình thường mới chưa, ông Mãi nhận định “tính đến giờ phút này thì chưa thể nói là thành phố trở lại trạng thái bình thường mới”. Lý do là các cơ quan nhà nước vẫn chưa hoạt động đầy đủ, dạy học vẫn đang theo hình thức trực tuyến, các cơ sở y tế cũng chưa hoạt động hết công suất và nhiều hoạt động khác của xã hội cũng chưa hồi phục hết.

Ông Mãi cho biết thành phố đang từng bước hồi phục, chính quyền phải tiếp tục củng cố, phát huy và trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì phải điều chỉnh trở lại. “Theo diễn tiến thuận lợi này, đến tháng 11.2021 cũng chưa tiến tới trạng thái bình thường mới hoàn toàn. Như Singapore cũng xác định cần 3-6 tháng và cũng chưa chắc chắn”, ông Mãi dẫn chứng.

Kiệt quệ vì dịch Covid-19, quán karaoke Sài Gòn bán bún thịt nướng cầm cự

4 nội dung trọng tâm của hội nghị lần thứ 9 của Thành ủy TP.HCM

- Báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

- Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

- Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm Nghị quyết 09/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.