TP.HCM nỗ lực củng cố vị thế đầu tàu kinh tế

30/04/2022 07:30 GMT+7

Sau thời gian bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 , TP.HCM đã có bước hồi phục và khởi sắc với những kết quả khá toàn diện.

Từ mức giảm sâu (-6,78%) trong năm 2021, quý 1/2022 GRDP của TP.HCM ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường... đạt mức cao.

Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022), Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, về những kết quả quan trọng đã đạt được, đặc biệt là về một số định hướng lớn của TP.HCM trong thời gian tới để tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

ngọc thắng

Sức mạnh của sự đồng thuận

Những kết quả kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP.HCM trong quý 1/2022 được đánh giá là khá toàn diện, xin ông chia sẻ thêm về những nỗ lực, giải pháp thực hiện để đưa TP trở lại đà tăng trưởng và giữ vững ổn định phát triển?

Ông Phan Văn Mãi: Bước vào những ngày tháng 4 lịch sử năm nay, cũng như nhân dân cả nước, nhân dân TP.HCM kỷ niệm những ngày lễ lớn với sự tin tưởng sâu sắc về tương lai phát triển của đất nước sau đại dịch Covid-19. Đối với TP.HCM, từ đầu quý 3/2021, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế, sinh hoạt của đời sống xã hội; các doanh nghiệp (DN) phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại chờ cơ hội hồi sinh.

Trong cơn đại dịch, dù đã dừng lại đau xót một thời gian khá dài nhưng cả TP chưa hề có một giây phút để nghỉ ngơi, mà tất cả luôn cùng đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn. Cùng với đó, để vượt qua được khó khăn chưa có tiền lệ, TP đón nhận sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của cả nước. Chúng tôi mãi nhớ ân tình đặc biệt này.

Từ những tháng cuối năm 2021, tuy đời sống KT-XH trên địa bàn TP bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhưng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cả năm 2021 vẫn suy giảm 6,78%. Đáng mừng là quý 1 năm nay đã phục hồi mạnh mẽ hơn ở cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp), với mức tăng trưởng GRDP 1,88% và đang phát triển theo xu hướng tích cực trong thời gian tới.

Càng trân trọng những giá trị của thành phố anh hùng được vinh dự mang tên Bác, giá trị của hòa bình, thống nhất, chúng ta càng thấy trách nhiệm nhiều hơn đối với sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình. Đây là khát vọng của người dân thành phố và cho chính người dân thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Kết quả trên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Trước hết là nhờ vào truyền thống năng động, sáng tạo của người dân TP vượt qua khó khăn thách thức, linh hoạt ứng phó trong mọi tình huống để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiếp đến là nhờ T.Ư ban hành kịp thời và đúng đắn các chính sách trong phòng chống dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Và tiếp đến nữa là sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị TP, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, tạo nên sức mạnh của sự đồng thuận trong suốt giai đoạn phòng chống dịch và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi KT-XH.

Kiên định mục tiêu phát triển

Sau cơn “bạo bệnh chưa có tiền lệ” trong năm 2021 bởi đại dịch Covid-19, TP.HCM không điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Xin ông chia sẻ thêm về quyết tâm này.

Có thể nói, tuy đời sống KT-XH của TP đã bắt đầu phục hồi, nhưng TP cũng đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Những vấn đề tồn tại nhiều năm về quản lý và phát triển đô thị, những bất cập về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị chưa giải quyết được triệt để, thì đại dịch Covid-19 với những tác hại của nó đã làm cho khó khăn chồng chất thêm lên.

Diện mạo TP.HCM ngày nay là thành quảcủa quá trình mở rộng quy mô theo hướng văn minh, hiện đại và cải thiện môi trường sống của người dân

Ngọc Dương

Tuy nhiên, trong “nguy” cũng có “cơ” nếu biết tận dụng để phát huy. Trước hết kinh tế trên địa bàn TP.HCM là một bộ phận gắn liền mật thiết của kinh tế cả nước, mà hiện nay triển vọng kinh tế chung của nước ta khá tích cực xét trên tất cả các chỉ báo như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, triển khai đầu tư công, thu ngân sách, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và nhất là sự ổn định của nền tài chính quốc gia, quan hệ kinh tế quốc tế tiếp tục mở rộng, tác động tích cực của các hiệp định FTA (thương mại tự do)...

Về chủ quan của TP.HCM, nền sản xuất và chuỗi cung ứng cơ bản đã phục hồi, hạ tầng kinh tế và hệ thống DN đang vận hành tốt trở lại; chương trình phục hồi kinh tế đang phát huy tác dụng. Ba điểm nghẽn: về thể chế kinh tế liên quan đến hấp thụ vốn đầu tư; hạ tầng giao thông đô thị, giao thông kết nối vùng và nguồn nhân lực chất lượng cao đang được T.Ư hỗ trợ tháo gỡ, cùng với nỗ lực của TP đang mở ra nhiều triển vọng.

Dù năm 2021, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế TP suy giảm nghiêm trọng, nhưng TP vẫn kiên trì thực hiện các mục tiêu KT-XH của cả 5 năm, trong đó năm 2022 phải phấn đấu số tuyệt đối GRDP đạt mức trước đại dịch, và trong 3 năm 2023 - 2025 sẽ tăng tốc phát triển để hoàn thành mục tiêu chung vào năm 2025.

Thưa ông, TP.HCM đang quyết tâm thực hiện những định hướng lớn nào để tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế và đóng góp nhiều hơn cho đất nước?

Tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ nhanh nguồn vốn đầu tư

Theo ông Phan Văn Mãi, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã minh chứng rõ cả trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, lẫn thực tiễn suốt quá trình Đổi mới trong hơn 35 năm qua.

Đối với TP.HCM, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng: chiếm khoảng 33% số lượng DN hoạt động theo luật DN; hơn 10% số lượng các hộ sản xuất kinh doanh cá thể của cả nước. Trong lĩnh vực đầu tư, cứ 1 đồng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước trên địa bàn TP, thì huy động khoảng 8 - 10 đồng vốn đầu tư tư nhân; đóng góp khoảng 55% GRDP trên địa bàn…

Do đó, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, TP.HCM đặt trọng tâm vào các giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế để hấp thụ nhanh nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân.

Về thể chế, TP tập trung tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM)... Qua đây, TP tiếp tục đề xuất những định hướng mới phát triển và cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp cho giai đoạn mới; nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển TP, củng cố vị trí vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế phía nam và cả nước.

Cần phải nhìn nhận rằng, từ lâu khi nói về cơ chế quản lý của một “siêu đô thị” như TP.HCM theo các quy định chung hiện hành, chúng ta thường hình dung là “chiếc áo chật”. Tuy nhiên, thực tế trong hơn 20 năm qua, T.Ư đã rất quan tâm đến việc đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với quy mô và vị trí, vai trò của TP.

Quá trình tổng kết các nghị quyết của T.Ư, TP.HCM sẽ kiến nghị tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP.HCM trong một số lĩnh vực như: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển KT-XH; quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP; mà hiện nay đang có nhiều trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trên. Cần chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền của địa phương, giảm bớt các loại công vụ “lồng ghép” giữa T.Ư và địa phương, giảm cơ chế xin - cho; xây dựng mô hình quản lý đô thị thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Song song đó, tập trung hoàn thiện quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060; quy hoạch chung TP.Thủ Đức, làm cơ sở thu hút đầu tư và phát huy các động lực phát triển mới (đô thị tương tác cao phía đông TP, tây bắc, phía nam; trung tâm tài chính; trung tâm thương mại - logistics...).

TP.HCM đang tập trung triển khai có kết quả các dự án hạ tầng giao thông then chốt (metro, vành đai, cao tốc kết nối vùng...); hạ tầng đô thị (dự án chống ngập, dự án Tham Lương - Bến Cát, rạch xuyên tâm, xử lý rác - nước thải...); hạ tầng chuyển đổi số, đô thị thông minh; hạ tầng xã hội (hệ thống cơ sở y tế, trường học, nhà ở xã hội...).

Phát huy những kết quả đã đạt được, TP.HCM tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số); hỗ trợ và phát huy kinh tế tư nhân; khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo

Có thể nhận thấy rõ thông điệp từ những định hướng lớn của TP.HCM đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vì cả nước, để người dân TP.HCM có cuộc sống ngày một tốt hơn và TP.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn…

Đúng vậy! Càng trân trọng những giá trị của TP anh hùng được vinh dự mang tên Bác, giá trị của hòa bình, thống nhất, chúng ta càng thấy trách nhiệm nhiều hơn đối với sự nghiệp xây dựng TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình. Đây là khát vọng của người dân TP và cho chính người dân TP.

Diện mạo TP.HCM ngày nay là thành quả của quá trình mở rộng quy mô theo hướng văn minh, hiện đại và cải thiện môi trường sống của người dân

Ngọc Dương

TP tự hào và tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn - thách thức để đạt những thành tựu to lớn hơn, đồng bộ hơn, vì hạnh phúc nhân dân TP, góp phần vào phát triển chung của cả nước.

Việc quản lý phát triển một TP có quy mô hơn 2.000 km2, dân số hơn 10 triệu người trong điều kiện còn bất cập về cơ chế quản lý, nguồn lực đầu tư, nên hiện đang đặt ra nhiều vấn đề đối với mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng với diện mạo của TP.HCM có được như hôm nay cũng rất đáng tự hào. Đó là thành quả của một quá trình vừa mở rộng quy mô, xây dựng các khu đô thị mới gắn với quá trình chỉnh trang đô thị cũ theo hướng văn minh, hiện đại và môi trường sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực quản trị đối với một “siêu đô thị” trong thời đại cách mạng 4.0, không chỉ dựa vào cải cách thể chế, mà phải tận dụng yếu tố công nghệ, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gắn với mục tiêu xây dựng nền kinh tế số. TP phấn đấu xây dựng đô thị thông minh, đi đầu trong việc cung cấp tất cả dịch vụ hành chính công cho người dân và DN thông qua công nghệ số...

Quan tâm kịp thời vấn đề an sinh xã hội

Ảnh

Sỹ Đông

Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt cao điểm dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên.

Trong các vấn đề xã hội đặt ra của giai đoạn hậu Covid-19, TP.HCM cũng quan tâm đặc biệt đến vấn đề nhà ở với mục tiêu làm sao cho người lao động tiếp cận được nhà ở xã hội, mua nhà hoặc thuê nhà ở xã hội tùy theo điều kiện. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, nhiều công nhân, viên chức, người lao động bày tỏ mong muốn TP có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, cùng các chính sách vay vốn mua nhà, giải pháp xây nhà ở xã hội để cho thuê. HĐND TP.HCM cũng đã trao đổi với UBND TP.HCM để kịp thời triển khai các nhóm giải pháp theo hướng tăng cường xã hội hóa và thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Vừa qua, TP khởi công một số dự án nhà ở xã hội, người dân rất ủng hộ và đánh giá đây là chính sách thu hút, giữ chân người lao động đến làm việc, học tập, sinh sống, tạo điểm nhấn cho TP về chính sách an sinh xã hội.

Để giữ vững vị thế đầu tàu, TP.HCM đang tập trung các chương trình trọng điểm, quyết liệt các giải pháp đột phá để khôi phục kinh tế. Các nhóm giải pháp tập trung như giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường chính sách kích cầu, hỗ trợ DN, khôi phục lại sản xuất - thương mại - dịch vụ - du lịch, tiếp tục quan tâm đến chính sách an sinh xã hội.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM

Cần chính sách đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế

Ảnh

Đình Phú

TP.HCM xác định việc xây dựng trung tâm tài chính là một trong các động lực phát triển mới. Nền tài chính của TP là kênh dẫn vốn rất quan trọng cho cả nền kinh tế, trong khi nhu cầu nguồn lực để phát triển cho TP trong 25 năm tới là rất lớn, nhưng nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo, thì nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Và để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, chúng ta cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. Theo ý kiến của Công ty tư vấn luật và tài chính Shearman & Sterling, nếu có được trung tâm tài chính, TP.HCM sẽ có rất nhiều lợi ích cụ thể.

Thứ nhất, sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP.HCM lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho TP và đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế TP.HCM và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác.

Thứ ba, theo tính toán của nhóm tư vấn, trung tâm tài chính có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8 - 10%, thậm chí cao hơn tùy thuộc vào hoạt động của các nhà đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Hiện nay, lãnh đạo TP.HCM đã và đang nỗ lực hoàn thiện đề án trung tâm tài chính. Việc này cho chúng ta thấy định hướng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam là một bước đi đúng đắn để đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng về cả ngắn hạn và lâu dài.

Cùng với việc hoàn thành đề án và cơ chế chính sách, chúng tôi mong muốn TP xác định mô hình và định hướng đầu tư trung tâm tài chính để các nhà đầu tư chúng tôi được tham gia nghiên cứu dự án theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.