TP.HCM: Người đàn ông thoát cửa tử sau 47 ngày sốt xuất huyết, thay 56 lít máu

Lê Cầm
Lê Cầm
09/06/2022 16:15 GMT+7

Nam bệnh nhân T. Đ.P, 36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, bị sốt xuất huyết, nhập viện Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan phải can thiệp ECMO .

Trước đó, bệnh nhân bị sốt 5 ngày liên tục và điều trị theo toa thuốc ngoại trú của một bệnh viện với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.

Tuy nhiên, sau thời gian dùng thuốc, bệnh nhân tiến triển nặng hơn, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan.

Ngày 9.6, thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân - Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, cho biết ngay khi vào viện, bệnh nhân đã được hội chẩn toàn viện và hội chẩn cùng bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán xuất huyết mức độ nặng, sốc, tổn thương đa cơ quan (hô hấp, gan, thận, rối loạn đông máu) ở ngày thứ 5.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực với việc cho thở máy, kiểm soát dịch, chống sốc, lọc máu liên tục, thay huyết tương cấp cứu. Mặc dù thế, tình trạng sốc của bệnh nhân tiếp tục tiến triển nặng, suy đa cơ quan nặng.

Trước tình huống này, các y bác sĩ đã quyết định can thiệp đồng thời ECMO, lọc máu liên tục và thay huyết tương cùng nhiều biện pháp tích cực khác.

"Trong suốt 10 ngày duy trì ECMO, bệnh nhân được lọc máu liên tục 12 lần, thay huyết tương cấp cứu tới 14 lần với tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị máu tươi", bác sĩ Ân chia sẻ.

PGS.TS.BS CKII Trương Đình Cẩm, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết đây là một ca bệnh đặc biệt, nhiều thách thức, có những thời điểm hy vọng khá mong manh, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng và gia đình, đều quyết tâm, nỗ lực cứu tính mạng của bệnh nhân.

Nam bệnh nhân sau khi hồi phục

nguyễn tuyết

Sau 47 ngày chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhân đã vượt qua cửa tử của sốc sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Ân, năm nay ngoài số ca sốt xuất huyết tăng thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng tăng. Dù bệnh viện đã chuẩn bị phương án nhưng nếu quá nhiều bệnh nhân sốc sốt xuất huyết như thế này thì nguy cơ quá tải và không đảm bảo hệ thống máy móc cấp cứu cũng sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân.

“Mỗi gia đình cần chủ động diệt muỗi phòng dịch, nếu có các dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, cảm giác xương khớp đau thì ngay lập tức đi khám. Bởi nếu sốt xuất huyết chuyển nặng, sẽ bắt đầu từ ngày thứ 2 đã gây nguy hiểm, người dân cần chủ động”, bác sĩ Ân khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.