TP.HCM: Kiến nghị gỡ vướng để 'chuẩn hóa' lớp học tình thương

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
21/04/2022 18:21 GMT+7

Vấn đề "chuẩn hóa" lớp học tình thương cho học sinh nghèo trên địa bàn Q.7, TP.HCM được quan tâm trong buổi khảo sát của HĐND TP.HCM sáng 21.4.

Sáng 21.4, HĐND TP.HCM có buổi khảo sát trên địa bàn Q.7 về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ mong muốn địa phương quan tâm gỡ vướng, hợp pháp hóa lớp học tình thương trên địa bàn.

Cụ thể, theo ông Nghinh, Q.7 có 2 cơ sở bảo trợ là Mái ấm Hoa Hồng nhỏ (thuộc Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM, hiện đang bảo trợ các trẻ em nữ có nguy cơ bị xâm hại cao), Cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi Long Hoa (ngoài công lập) và 4 lớp học tình thương gồm: Cầu Hàn, Rạch Ông, Phước Thiện, La San.

Riêng những lớp học tình thương đã giải quyết rất nhiều vấn đề về giáo dục con em của người dân nhập cư nghèo ở Q.7 và ở những địa phương khác lân cận như H.Nhà Bè, Q.8... Trong đó, có lớp có tới 130 em theo học và nhiều chương trình học, bề dày thành lập đã 20 - 30 năm.

Theo ông Nghinh, hiện nay TP.HCM tồn tại 2 mô hình lớp học cho trẻ nhập cư nghèo. Dạng thứ nhất là lớp học “xóa mù chữ” mà ta vẫn hay quen gọi là “lớp học tình thương”. Với lớp này học sinh không có học bạ, không có hồ sơ theo dõi, chính vì vậy dù các em học 3 năm hay 5 năm cũng không lên lớp hay chuyển cấp được.

Dạng thứ hai là lớp học ra đời theo đúng quy định của luật phổ cập. UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập lớp học này với điều kiện phải có sự bảo trợ của một trường tiểu học công lập cùng địa bàn. Trường tiểu học đó sẽ ký học bạ, thẩm định chương trình, thẩm định giáo viên để các em có thể lên lớp và chuyển cấp. Điều kiện, trình tự thành lập căn cứ theo quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên trong 4 lớp học tình thương ở Q.7 vẫn còn lớp học Rạch Ông chưa được "chuẩn hóa", vẫn hoạt động theo mô hình xóa mù chữ.

Theo ông Nghinh, không chỉ riêng tại Q.7, việc quy hoạch, quản lý và "chuẩn hóa" dạng lớp học thứ nhất thành dạng thứ hai là cần thiết, để các em học sinh nghèo có thể lên lớp hay chuyển cấp; đồng thời là cơ sở pháp lý để xem xét nguồn hỗ trợ như học bổng, BHYT... cho các em.

Liên quan vấn đề này, đại diện Phòng GD-ĐT UBND Q.7 cho hay sẽ ghi nhận, làm việc với UBND P.Tân Hưng và trường tiểu học Tân Hưng rà soát các hồ sơ để hỗ trợ, bảo trợ cho lớp học tình thương Rạch Ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.