TP.HCM không đứt gãy nguồn lao động

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
08/11/2021 06:00 GMT+7

Qua những phân tích về tình hình lao động tại TP.HCM trước và sau giãn cách, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định vấn đề thiếu hụt lao động sẽ xảy ra nhưng không trầm trọng đến mức đứt gãy nguồn lao động.

Những tín hiệu khả quan

Số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ở các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu chế xuất - khu công nghệ (KCX-KCN), khu công nghệ cao (KCNC) cho thấy những tín hiệu rất khả quan về tình hình lao động sắp tới.

Cụ thể, TP.HCM có 17 KCX-KCN và một KCNC với khoảng 1.500 DN. Khi TP thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có 686 DN (với hơn 80.000 lao động) đủ điều kiện hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, đến tháng 10.2021 khi TP.HCM bước vào giai đoạn bình thường mới, đã có tới 1.430 DN hoạt động trở lại (đạt tỷ lệ 95,33%) với số lao động làm việc hơn 256.300 người (đạt tỷ lệ 76,3% tổng số lao động).

Hoạt động sản xuất tại một công ty trong KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)

KHẢ HÒA

Còn tại các DN bên ngoài KCX-KCN, KCNC, nhất là đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm tỷ trọng khoảng 60% cơ cấu kinh tế của TP.HCM), đến nay đã có hơn 121.000 đơn vị hoạt động trở lại (chiếm gần 57% tổng số DN hoạt động trên địa bàn).

Tín hiệu lạc quan khác cho thị trường lao động tại TP.HCM còn nằm ở số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo BHXH TP.HCM, từ tháng 6 - 9.2021, số người lao động tham gia BHXH giảm từ 2,3 triệu còn hơn 1,9 triệu người (giảm hơn 400.000 người) do các DN phải tạm ngưng hoạt động, số lượng người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc (tạm dừng đóng BHXH) hoặc chấm dứt hợp đồng lao động tăng đáng kể. Tuy nhiên đến tháng 10.2021, con số này đã tăng lên hơn 2,1 triệu người. Dự kiến tới cuối năm sẽ tăng lên gần 2,4 triệu người, bằng với cùng kỳ năm 2020.

Covid-19 sáng 8.11: Cả nước 968.684 ca nhiễm, 840.402 ca khỏi | Đã tiếp nhận 124 triệu liều vắc xin

Có thiếu hụt nhưng không trầm trọng

Ngày 6.11, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các DN quy mô lao động lớn vẫn chưa hoạt động hết công suất (khoảng từ 50 - 80% tổng số lao động) nhằm thăm dò tình hình dịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh khi có trường hợp F0 trong DN.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM, cho hay hiện qua rà soát các DN đều đã hoạt động từ 70 - 80% công suất, một phần là do thiếu hụt nguồn lao động, phần còn lại là vì dè chừng trước diễn biến dịch Covid-19.

Đang cần hơn 43.000 lao động

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thị trường lao động tại TP.HCM trong quý 4/2021 cần từ hơn 43.600 - 56.800 lao động.

Với quý 1/2022, dự báo nhu cầu nhân lực theo 2 chiều hướng tích cực, tiêu cực của diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn. Cụ thể, quý 1/2022 vừa rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, vừa đúng thời gian mà hằng năm các DN đều cần nhiều lao động để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi công việc hoặc vì về quê chưa trở lại sau tết.

Nếu theo chiều hướng tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, sẽ tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thì quý 1/2022 dự kiến cần khoảng 75.000 lao động.

Ở chiều hướng thứ hai, nếu tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến tiêu cực, chắc chắn việc tăng trưởng kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên ở quý 1/2022 nhu cầu nhân lực vẫn cần khoảng 60.000 lao động.

Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ mới đây có nghiên cứu, khảo sát nhanh với khoảng 100 DN TP.HCM về giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép. PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cho hay: “Các khó khăn mà DN gặp phải trải rộng từ các vấn đề liên quan quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, nguyên liệu, chuỗi cung ứng, đến các điều kiện tổ chức sản xuất, và thị trường tiêu thụ. Trong đó, vấn đề nan giải nhất vẫn là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động”.

Tuy nhiên, với những tín hiệu khả quan thời gian qua, dự kiến 2 tháng còn lại cuối năm, khi tình hình dịch bệnh tại các tỉnh và TP.HCM được kiểm soát tốt, vấn đề lưu thông giữa các tỉnh được nới lỏng, người lao động sẽ yên tâm quay trở lại làm việc, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định: “Vấn đề thiếu hụt lao động sẽ không trầm trọng đến mức đứt gãy nguồn lao động”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng thông tin rằng Sở đã và đang phối hợp Ban Quản lý các KCX-KCN, Ban Quản lý KCNC TP.HCM để nắm bắt nhu cầu lao động trong các DN. Đồng thời, Sở

LĐ-TB-XH cũng đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (đơn vị thuộc sở này) và phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên (thuộc Thành đoàn TP.HCM) triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, chỗ ở đối với người lao động ở tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.

“Các trung tâm giới thiệu việc làm đã chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tìm việc, và danh sách này đã được gửi cho các DN có nhu cầu để triển khai phỏng vấn, tuyển dụng. Tôi tin rằng thị trường lao động từ nay đến cuối năm tại TP.HCM sẽ diễn ra ổn định và góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương”, ông Lâm nói.

Cần có tầm nhìn xa

Đại diện một công ty in ấn tại KCN Tân Tạo A (Q.Bình Tân) cho biết, công ty đang đẩy hết công suất để phục vụ các đơn hàng cuối năm. Người lao động hiện đã trở lại khoảng 95%, rất may là không bị đứt gãy nguồn lao động, một phần cũng vì công ty chủ động thực hiện tốt các chính sách chăm lo phúc lợi cho người lao động.

Về bài học rút ra là mối quan hệ tương tác giữa DN với người lao động, TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, thành viên nhóm nghiên cứu, khảo sát nói trên của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cho hay: “Hầu hết DN trụ lại, phục hồi tốt, vượt qua khủng hoảng nhanh đều có bộ phận phản ứng nhanh, giữ được mối quan hệ tương tác với người lao động”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nhân lực. Bà Hạnh cho hay: “Tôi có đến thăm 10 khu lưu trú của người lao động, thấy đa phần vẫn ở lại TP.HCM, do các chủ DN có tầm nhìn xa giữ chân người lao động, hỗ trợ về an sinh, chỗ ở cho công nhân rất chu đáo, thì lao động ít rời bỏ DN”.

Đề xuất các nhóm giải pháp phục hồi sản xuất

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiến nghị các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để duy trì việc làm và phục hồi thị trường lao động.

Thứ nhất, đối với T.Ư, sở này đề xuất Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút người lao động trong giai đoạn đầu quay lại tỉnh, TP làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, vận chuyển, xét nghiệm Covid-19... Đồng thời, Bộ LĐ-TB-XH sớm có nhiều chương trình đầu tư cho các trung tâm dịch vụ việc làm để nâng cao năng lực, hiệu quả tư vấn, cung ứng nguồn lao động...

Thứ hai, đối với địa phương, các tỉnh, TP phải có chương trình, kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động có nhu cầu quay trở lại. Song song đó, khuyến khích người dân không về quê và phải có chính sách hỗ trợ họ để yên tâm quay lại làm việc; đẩy mạnh liên kết vùng điều tiết cung - cầu lao động; tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm; xây nhà lưu trú, ký túc xá, nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp, không chỗ ở ổn định; vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ giảm giá phòng trọ...

Thứ ba, DN phải quan tâm chăm lo cho người lao động, triển khai nhiều chính sách phúc lợi để họ gắn bó với DN; xây dựng kế hoạch nhân sự dài hạn, đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn của người lao động...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.