TP.HCM hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2022

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/07/2022 18:30 GMT+7

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị doanh nghiệp nhanh chóng triển khai mức lương tối thiểu vùng 2022. Đồng thời, trong quá trình điều chỉnh mức lương, bổ sung các thỏa thuận trong hợp đồng... phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động.

Ngày 5.7, tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, đơn vị có công văn gửi Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức và người sử dụng lao động trên địa bàn về việc triển khai thực hiện Nghị định 38/2022 của Chính phủ về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, từ ngày 1.7, áp dụng mức 4,68 triệu đồng/tháng và mức 22.500 đồng/giờ đối với các quận, TP.Thủ Đức và các H.Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè (vùng I).

H.Cần Giờ (Vùng II) sẽ áp dụng mức 4,16 triệu đồng/tháng và mức 20.000 đồng/giờ.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Đối với người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Về cơ chế và đối tượng áp dụng thực hiện theo điều 4 của Nghị định 38, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lưu ý nghị định không yêu cầu phải thay đổi hình thức trả lương mà người sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận.

Về trách nhiệm thi hành, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng lưu ý, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác đúng pháp luật.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị người sử dụng lao động nhanh chóng triển khai mức lương tối thiểu; đồng thời có trách nhiệm chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, các quy chế, quy định của đơn vị và sớm công khai cho người lao động biết.

Quá trình thực hiện, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (là công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp - PV).

Phía Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức công đoàn đối thoại, thương lượng để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho người lao động.

Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra.

Công đoàn cơ sở sẽ giám sát việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022

Khảo sát nhanh một số công ty, doanh nghiệp cho thấy mức lương mới tăng từ 260.000 - 300.000 đồng/người. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, dự kiến công ty sẽ tăng đều 260.000 đồng/người vào lương cho tất cả người lao động.

Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết công đoàn cơ sở sẽ giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện của doanh nghiệp về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022, tránh tranh chấp lao động. Nếu tại doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên cơ sở sẽ tham gia, theo dõi. Qua nắm bắt ban đầu, người lao động rất vui mừng khi được áp dụng mức lương mới, đồng thời các doanh nghiệp hiện đang chấp hành nghiêm quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.