TP.HCM đề xuất tăng thêm xe công cho hàng chục đơn vị

25/05/2022 18:44 GMT+7

Hàng chục sở, ngành và cơ quan tương đương cùng 22 UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức được TP.HCM đề xuất tăng thêm 1 xe công phục vụ công tác chung của đơn vị, nhiều hơn định mức xe công theo Nghị định 04/2019 của Chính phủ.

Đề xuất tăng xe công

Ngày 25.5, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép TP được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung theo hướng tăng thêm phương tiện.

Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND các quận và tổ chức tương đương thuộc UBND TP.HCM được phép tối đa không quá 2 xe ô tô/đơn vị, thay vì 1 xe như quy định hiện đang áp dụng theo Nghị định 04/2019 của Chính phủ.

Riêng đối với Văn phòng UBND TP.HCM được áp dụng định mức 4 xe ô tô, thay vì 3 xe như hiện hành.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất bố trí tối đa 3 xe ô tô/đơn vị đối với Văn phòng HĐND và UBND TP.Thủ Đức và 5 huyện ngoại thành, nhiều hơn 1 xe so với quy định.

Trụ sở UBND TP.HCM

Tno

UBND TP.HCM nhìn nhận các quy định về quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế tình trạng sử dụng xe công không đúng mục đích. Đồng thời, định mức, tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung có chiều hướng giảm đáng kể.

Như trước đây, theo Nghị định 122/1999, các cơ quan thuộc UBND TP.HCM được sử dụng tối đa 3 xe, sau đó giảm xuống còn 2 xe theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng và giảm còn 1 xe theo Nghị định 04/2019 hiện đang áp dụng.

Tại TP.HCM, từ tháng 7.2021, bắt đầu triển khai chính quyền đô thị thì 16 quận không còn tổ chức HĐND. Dù chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn như được quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách nhưng Văn phòng UBND quận chỉ còn định mức 1 xe. Các huyện có Văn phòng HĐND và UBND nên được bố trí 2 xe.

Cơ sở nào để TP.HCM đề xuất xin thêm xe công?

UBND TP.HCM cho biết khối lượng, áp lực giải quyết hồ sơ công việc đối với TP và các cơ quan chuyên môn rất lớn. Để giải quyết công việc nhanh chóng đòi hỏi các đơn vị phải tổ chức các buổi hội họp để trao đổi, thống nhất; kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát tình hình thực hiện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…

Có khi trong cùng một ngày, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện phải có mặt tham dự ở nhiều nơi khác nhau nên cần xe công để di chuyển, nếu không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.

Theo cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, mỗi đơn vị có 1 giám đốc và không quá 4 phó giám đốc (khối sở, ngành); 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch (khối quận) trong khi theo tiêu chuẩn, định mức thì một đơn vị chỉ có 1 xe ô tô nên không đảm bảo phục vụ nhiệm vụ công tác, chưa kể các trường hợp tập thể cán bộ, công chức thực hiện công tác phối hợp liên ngành.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông của TP còn hạn chế, quá tải do mật độ phương tiện cá nhân đông nên việc đi lại bằng phương tiện công cộng hoặc sử dụng dịch vụ thuê xe bên ngoài sẽ không đáp ứng được kịp thời, mất thời gian điều tiết xe. Đặc biệt là không đảm bảo yêu cầu an ninh khi tác nghiệp trong khu vực hạn chế xe dân sự.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Nghị định 04/2019 để làm rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với nhu cầu công tác, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. TP.HCM có 20 sở, ngành chuyên môn và khoảng chục cơ quan tương đương, cùng 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức thuộc diện đề xuất xin thêm xe công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.