TP.HCM: Đề xuất 6 chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần người dân hậu Covid-19

Duy Tính
Duy Tính
18/06/2022 16:37 GMT+7

Chăm sóc sức khỏe tinh thần người dân TP.HCM trong giai đoạn hậu Covid-19 và cả sau này là rất quan trọng.

Sáng 18.6, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị thống nhất về các giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần liên quan đến dịch Covid-19 và hậu Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Hội nghị do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì, có sự tham dự lãnh đạo các sở, ngành, các trường đại học, các chuyên gia tâm lý, chuyên gia chăm sóc sức khỏe...

Ngày 18.6: Cả nước 699 ca Covid-19, 5.889 ca khỏi | Hà Nội 141 ca | TP.HCM 39 ca

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đại dịch Covid-19 đã dần khép lại nhưng hệ quả của dịch để lại rất nặng nề, tác động về thể chất, tinh thần người dân. Sở Y tế cũng đã ban hành chẩn đoán, hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 trong một số lĩnh vực… Trên cơ sở hội thảo này, Sở Y tế xây dựng chương trình hành động trình để các sở, ngành, đơn vị góp ý thêm, sau đó trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Nhiều chuyên gia góp ý chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần người dân hậu Covid-19

6 mục tiêu

Tại hội nghị, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM trình bày dự thảo chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân TP.HCM sau đại dịch Covid-19. Trong đó, GS Huỳnh Văn Sơn đặt ra 6 mục tiêu cụ thể:

  • Thứ nhất, nâng cao nhận thức của nhân dân thành phố ảnh hưởng của hội chứng hậu Covid-19 bằng các biện pháp truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe tâm thần để phát hiện, dự phòng và hỗ trợ tinh thần cho người dân thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội trong bối cảnh hậu Covid-19.
  • Thứ 2, chuyên môn hóa và dần chuyên nghiệp hóa mạng lưới nhân viên y tế, người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua bồi dưỡng và xây dựng khẩn cấp các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ, chăm sóc tinh thần và can thiệp rối nhiễu sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 chuyên sâu.
  • Thứ 3, đánh giá và tiến hành trị liệu cá nhân và nhóm gặp các rối loạn tâm thần hậu Covid-19.
  • Thứ 4, bảo vệ và chăm sóc nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang, người cơ nhỡ) trong bối cảnh hậu Covid-19. Bên cạnh đó, thực hiện dự phòng, can thiệp và phòng ngừa sang chấn tâm lý cho nhóm người yếu thế gặp khó khăn sau đại dịch nhằm hướng đến mục tiêu an toàn về sức khỏe tâm thần.
  • Thứ 5, chăm sóc, phục hồi và giảm thiểu sang chấn cho nhóm làm việc tuyến đầu chống dịch (nhân viên y tế, công an, quân đội, và tình nguyện viên).
  • Thứ 6, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong triển khai các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần phục hồi và thích ứng sau đại dịch.

6 chương trình hành động

GS Huỳnh Văn Sơn cũng đề xuất 6 chương trình hành động để chăm sóc toàn diện sức khỏe người dân TP.HCM hậu Covid-19:

  • Chương trình 1: Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các nhóm đối tượng tiêu điểm (học sinh, sinh viên, nhóm địa bàn dân cư…) do Thành Đoàn TP.HCM chủ nhiệm.
  • Chương trình 2: Xây dựng khẩn mạng lưới nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 cho người dân và thực hiện chuỗi hành động điều trị thích ứng các di chứng hậu Covid-19 do Sở Y tế TP.HCM chủ nhiệm.
  • Chương trình 3: Hỗ trợ và thực hiện trị liệu cá nhân và nhóm gặp các rối loạn tâm thần hậu Covid-19 do Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ nhiệm.
  • Chương trình 4: Nâng đỡ tinh thần chuyên biệt cho nhóm người yếu thế (trẻ em mồ côi; người lang thang, cơ nhỡ) do Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chủ nhiệm.
  • Chương trình 5: Chăm sóc, phục hồi tình trạng sức khỏe tâm thần dành cho nhóm người làm việc tuyến đầu (nhân viên y tế, công an, quân đội, và tình nguyện viên) do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc chủ nhiệm.
  • Chương trình 6: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong triển khai các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần phục hồi và thích ứng sau đại dịch cho người dân TP do Sở TT-TT chủ nhiệm.

Đánh giá hiệu quả khi thực hiện

Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị xem xét lại các mục tiêu đặt ra, cần cụ thể hơn mới có thể đo lường được. Khi triển khai các chương trình thì cần có giải pháp đánh giá để biết được hiệu quả. Ngoài ra, cần huy động thêm nguồn lực liên quan để tham gia.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, cần xác định nhóm ưu tiên can thiệp theo lộ trình, ai là người thực hiện can thiệp (chuyên gia). Xác định rõ ranh giới giữa can thiệp tâm lý và tâm thần.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong quá trình TP gồng mình chống dịch thì chỉ nghĩ đến 1 việc làm sao cho qua đợt dịch thứ 4. Có nhiều người trong lúc mắc bệnh và sau bệnh có sự thay đổi nên TP đã mời các chuyên gia bàn bạc, tìm giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.

“Nhu cầu xây dựng chương trình chăm sóc tinh thần cho người dân là rất quan trọng. Hiện là khởi đầu tham vấn cho TP để triển khai 1 chương trình dài hạn làm sao cho TP có chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn. Nhưng phải có nghiên cứu khoa học để có luận cứ. Phải có đề án được thông qua các cấp thẩm quyền để có nguồn lực, có tính pháp lý để triển khai lâu dài” Phó chủ tịch UBND TP nói. Ông cũng lưu ý, các chương trình đề xuất hơi rời rạc, cần có cơ chế tổ chức phối hợp thực hiện thống nhất. Ai đủ năng lực, có tâm cũng có thể tham gia để giúp TP giải bài toán rất khó.

“Làm sao đánh giá được hiệu quả của chương trình. Muốn làm được điều này phải có nghiên cứu kỹ. Muốn làm về lâu dài thì phải đào tạo nguồn nhân lực. Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân phải thường xuyên và liên tục vì không chỉ Covid-19 mà còn do các nguyên nhân khác gây nên. Trong nghiên cứu cần có nội dung đặt ra là đề xuất cơ chế chính sách, lộ trình bổ sung cơ chế chính sách khả thi. Biến đề án chính sách chăm sóc sức khỏe là đặc thù của TP và sau đó là nhân rộng”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

Sau đại dịch nhiều nhân viên y tế nghỉ việc

Tại hội nghị, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP.HCM nói: "Cần có chương trình can thiệp cho phụ nữ sau sinh, vì có đến 40% phụ nữ sau sinh bị trầm cảm. Tại Bệnh viện Hùng Vương trong đại dịch có 39% nhân viên y tế có rối loạn tâm lý, sau can thiệp tâm lý thì còn 18% bị rối loạn tâm lý. Ngoài ra, hậu Covid-19 thì nhân viên nghỉ việc rất nhiều".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.