TP.HCM công bố cấp độ dịch

26/10/2021 05:23 GMT+7

Dù cấp độ dịch Covid-19 đã được công bố nhưng các quận, huyện vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn TP.HCM.

Chiều 25.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các hàng quán ăn uống buôn bán nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày đầu cho phép bán mang về. Thực tế nhiều quán cà phê, quán ăn vỉa hè đã phục vụ tại chỗ cho khách hàng mặc dù chưa thông báo chính thức về việc mở bán tại chỗ.

Khách đến đường sách Nguyễn Văn Bình

Ngọc Dương

Ca nhiễm có dấu hiệu gia tăng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo qua giám sát cho thấy số ca mắc Covid-19 qua test nhanh có dấu hiệu gia tăng, trong đó có nguyên nhân là số người trở lại TP.HCM làm việc.

Các báo cáo của HCDC cho thấy, đầu tháng 10 khi thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, số ca F0 cách ly tại nhà nằm ở mức 28.000 - 29.000 ca và bắt đầu giảm sâu xuống còn ca 11.700 ca vào ngày 19.10. Trong khi đó, từ ngày 20.10, số ca cách ly tại nhà bắt đầu tăng lên, với tổng số 12.500 ca; ngày 23.10 là 13.500 ca; và đến ngày 25.10 là 15.421 ca.

Còn theo báo cáo ngày 24.10 của Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca dương tính được xác định bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR là 970 ca (tăng 220 ca so với ngày trước đó). Đáng chú ý, có đến 367 người phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện; 268 người phát hiện tại cộng đồng và 335 ca F0 được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung. Trong ngày 24.10, TP.HCM ghi nhận 1.271 ca dương tính qua test nhanh (ca nghi ngờ).

Các quán ăn, uống tại khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Q.10) đã mở cửa lại nhưng chưa đầy đủ so với trước

Nguyễn Minh Tâm

Q.Tân Bình hiện là một trong 9 địa bàn “vùng xanh” của TP.HCM. Lãnh đạo Phòng Y tế Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết công tác đánh giá, phân loại vùng xanh - vàng - cam - đỏ theo 3 tiêu chí của Bộ Y tế được thực hiện rất chặt chẽ từ cấp tổ dân phố đến phường. Khi được đề cập về số ca nhiễm có xu hướng gia tăng và làm sao để kiểm soát, vị này cho biết, cần giám sát hàng quán, nâng cao vai trò tổ dân phố, các hộ gia đình; nâng cao tính tự giác của người dân tự phát hiện… Trong trường hợp phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng thì điều tra dịch tễ, lịch sử tiếp xúc; khoanh vùng 1 nhà hoặc nhiều nhà (nếu tiếp xúc, nhiều ca nhiễm trong 1 hẻm nhỏ thì phong tỏa hẻm) chứ không phong tỏa rộng.

Chiều 26.10 hoặc ngày 27.10, TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi

Là địa bàn được xếp vào cấp độ nguy cơ trung bình, Chủ tịch UBND Q.6 Lê Thị Thanh Thảo cũng cho biết theo hướng dẫn của Sở Y tế, hiện không còn khoanh vùng, phong tỏa diện rộng nữa. Nếu gia đình có F0 thì lấy mẫu xét nghiệm những gia đình lân cận có tiếp xúc gần với nhau rồi khoanh vùng, cách ly y tế. Nếu là chùm ca, ổ dịch thì khu vực đó chuyển thành màu đỏ, bắt đầu áp dụng cách ly y tế tạm thời cả khu vực ở mức hẹp nhất có thể.

Bà Thảo nhìn nhận, khi các biện pháp kiểm soát được nới lỏng, quan trọng nhất là ý thức tuân thủ quy định của người dân. Cụ thể, khi phát hiện bản thân mắc Covid-19 qua test nhanh, người dân không được giao tiếp nhiều, không ra đường và chỉ ở nhà, khai báo với địa phương để được cung cấp thuốc men, thăm khám và theo dõi trên phần mềm của Sở Y tế.

Tuần trước, UBND Q.6 cũng có văn bản đề xuất thành phố cho phép dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trước đó, Q.7 và Sở Công thương TP.HCM cũng có đề xuất cho ăn uống phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, đến chiều 25.10, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay việc mở lại quán ăn uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ nhiều vấn đề. Sau khi UBND TP.HCM thống nhất, Sở Công thương sẽ thông báo rộng rãi đến người dân.

đồ họa: văn năm

Phập phồng tiêu chí vùng xanh

Tại buổi họp báo định kỳ chiều qua 25.10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết theo hướng dẫn của Sở Y tế, các quận, huyện và TP.Thủ Đức sẽ đánh giá cấp độ dịch theo phường, xã, thị trấn và trên toàn địa bàn. Định kỳ thứ sáu hằng tuần, 312 phường, xã, thị trấn trên toàn TP.HCM sẽ đánh giá và gửi báo cáo kèm kế hoạch can thiệp đối với các địa bàn diễn biến xấu về dịch bệnh. Vào thứ hai hằng tuần, UBND TP.HCM sẽ công bố cấp độ dịch trên toàn TP và 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức thông qua Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và tại cuộc họp báo định kỳ.

Ông Hải cho biết nguyên tắc của Chỉ thị 18 là thống nhất toàn TP.HCM nhưng vẫn cho phép các quận, huyện có điều kiện thực hiện linh hoạt, sáng tạo trên quy định tổng thể. Do đó, UBND các quận, huyện căn cứ vào mức độ dịch trên địa bàn để quyết định điều chỉnh hoạt động kinh tế xã hội.

Với tiêu chí số ca nhiễm mắc mới/100.000 dân/tuần của Bộ Y tế, nhiều địa phương cho biết dù dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm thấp nhưng vẫn không thể đạt tiêu chí vùng xanh. Lãnh đạo UBND H.Nhà Bè chia sẻ, dù số ca nhiễm mới phát hiện trong cộng đồng thấp nhưng huyện được xếp ở cấp độ 2 vì số dân ít.

Covid-19 sáng 26.10: Cả nước 892.579 ca nhiễm, 807.301 ca khỏi | TP.HCM chuẩn bị cho tình huống xấu

Tương tự, lãnh đạo UBND Q.Phú Nhuận cho biết để đạt tiêu chí vùng xanh, số ca nhiễm mắc mới trên địa bàn phải thấp hơn 12 ca nhiễm mỗi ngày. “Giữa cấp độ 2 với cấp độ 1 cũng phải tính toán kỹ. Hiện đang là cấp 1 và được mở hết, nhưng một hai tuần nữa, bà con mở ra bán đầy đủ thì số ca nhiễm tăng lên và chuyển xuống cấp 2. Lúc đó, bà con có chịu thu hẹp quy mô hoặc ngưng hoạt động hay không?”, lãnh đạo Q.Phú Nhuận băn khoăn. Mặt khác, đô thị có tính kết nối, người dân từ quận này qua quận khác sinh hoạt, làm việc nên đôi khi việc tăng, giảm quy mô hoạt động theo từng cấp độ không mang nhiều ý nghĩa quyết định. Do vậy, các địa phương đang chờ hướng dẫn thống nhất từ UBND TP.HCM.

Đánh giá cấp độ dịch trên quy mô xã, phường

Ngày 24.10, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành đánh giá về 10 ngày đầu tiên thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã lưu ý các địa phương về công tác xét nghiệm. Theo đó, đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4800. Trong xét nghiệm phải lưu ý gộp mẫu, kể cả PCR cũng có thể gộp đến 20 mẫu. Làm theo đúng hướng dẫn để giảm chi phí xét nghiệm.

Liên quan đến việc cách ly, phong tỏa phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể: chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong một xã, phường. Trong vùng phong tỏa, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại.

Thông tin về việc đánh giá dịch tễ về yếu tố nguy cơ, cấp độ dịch với người từ nơi khác về địa phương, TS Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), cho hay: “Địa phương nơi người đến sẽ căn cứ vào cấp độ dịch ở quy mô xã, phường nơi người đó sinh sống trước khi về địa phương, để đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly...) phù hợp”.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.