TP.HCM: Có trường hợp xâm hại diễn ra trong thời gian dài nhưng nạn nhân im lặng

07/12/2021 17:58 GMT+7

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định tình hình bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Sáng 7.12, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2017 của UBND TP.HCM về “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM”. Ông Chung Hùng Bang, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) đã báo cáo kết quả thực hiện nêu trên.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2021, TP.HCM có 22 vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Khi so sánh với các cùng kỳ, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định tình hình bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua có chiều hướng tăng giảm không đồng đều, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác (bắt cóc, chiếm đoạt...). Trong đó, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ (từ 13 - dưới 16) và phần lớn là trẻ em gái.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá tốt công tác triển khai phối hợp thực hiện Quyết định 2017 của các sở, ban ngành, đoàn thể. Các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện cơ bản đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn. Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác xâm hại trẻ em còn lúng túng; thông tin, báo cáo từ cơ sở còn chậm so với thời gian quy định tại Quyết định 2017.

Nhiều nguy cơ xâm hại trẻ trên không gian mạng

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.

Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Trong đó, một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài nhưng nạn nhân im lặng.

Đặc biệt, nếu như trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, nhà trọ lưu trú của người dân lao động, thì gần đây địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em còn là các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

TP.HCM hiện có hơn 1,9 triệu trẻ em (trẻ em gái chiếm tỷ lệ hơn 48%), trong đó, có khoảng 27.880 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 3.169 trẻ ở trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho hay có nhiều kênh thông tin tiếp nhận tin báo về vụ việc vi phạm quyền trẻ em như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Lực lượng phản ứng nhanh Công an TP.HCM (113), Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (1900545559), Hội bảo vệ quyền trẻ em (18009069).

Báo cáo tham luận tại hội nghị, đại diện Công an Q.10 cho biết, tại Q.10 trong năm 2021 ghi nhận xảy ra 2 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nạn nhân trong cả 2 vụ đều là trẻ em mới 13 tuổi. Điều đáng lưu ý, đặc điểm chung của cả 2 vụ là nạn nhân quen biết với đối tượng qua mạng xã hội.

Đại diện Công an Q.10 cũng nhận định, trước môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi hình và phát tán; tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm... hoặc gặp những hành vi ứng xử như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện internet hoặc game trực tuyến… Những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại, trong khi đó các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Vấn đề này cũng được đại diện Phòng LĐ-TB-XH H.Bình Chánh nêu ra. Song song đó, tại H.Bình Chánh, tình trạng người nhập cư ngày càng gia tăng vượt quá khả năng quản lý của địa phương, làm dễ nảy sinh những vấn đề xã hội như xao nhãng, xâm hại và ngược đãi trẻ em, tình trạng bạo hành gia đình hoặc tệ nạn nghiện ma túy, mại dâm và nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phía Chi hội luật sư thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong đó, kể đến việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định đến tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan để biết nội dung và thực hiện; có sự thống nhất giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng theo đúng Quy trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.