TP.HCM cho hàng quán phục vụ ăn uống tại chỗ: Còn nhiều dè dặt

28/10/2021 12:12 GMT+7

Ngày 28.10, theo ghi nhận của PV Thanh Niên , người dân TP.HCM tỏ ra hào hứng khi được phục vụ ăn uống, nhâm nhi ly cà phê tại chỗ. Mặt khác, chủ quán và khách hàng đều cẩn trọng đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch.

Sáng 28.10, theo ghi nhận của Thanh Niên, tại một số quán ăn, quán cà phê ở TP.HCM, người dân đã có thể ngồi ăn uống, nhâm nhi ly cà phê tại chỗ. Nhiều người dân bày tỏ sự hào hứng khi được ăn, uống ở hàng quán quen thuộc. Cả chủ quán và người dân đều đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Người Sài Gòn thưởng thức hủ tiếu mì nóng hổi, uống cà phê vỉa hè trong ngày đầu bán tại chỗ

Ăn uống tại chỗ nhưng vẫn đảm bảo quy định phòng, chống dịch

Khoảng 9 giờ cùng ngày, chúng tôi có mặt tại một quán cà phê trên đường Tên Lửa, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân. Lúc này trong quán có khoảng 15 khách hàng ngồi nhâm nhi ly cà phê, các bàn được bố trí có khoảng cách.

Ngồi thưởng thức cà phê tại quán, anh Dương (ngụ Q.Bình Tân) cho biết: "Cảm giác ngồi tại chỗ uống cà phê rất thoải mái, nhất là khi sau nhiều tháng bí bách do chỉ được mua về nhà uống". Anh Dương cho biết thêm, khi ngồi ở quán, anh cũng rất cẩn trọng, luôn đeo khẩu trang, chỉ mở ra khi uống nước.

Khách hàng ngồi uống cà phê tại chỗ

Khánh trần

Chị Thảo Nguyên, quản lý của quán cà phê này cho biết, khi có thông tin hàng quán ở TP.HCM được bán tại chỗ chị rất vui mừng, nhưng không thể lơ là, chủ quan với dịch. Quán phục vụ tại chỗ nhưng chỉ nhận 50 % công suất khách quen, khách đến quán sẽ được sắp xếp ngồi giãn cách theo quy định.

Đã chuẩn bị xong thức ăn, bàn ghế cũng đã sắp xếp đàng hoàng, chỉ còn chờ khách tới ăn uống tại quán, chị Hồng Phú, chủ một tiệm cơm tại số 17 đường Binh Trị Đông (Q.Bình Tân), chia sẻ: "Cơm sườn bì chả bán ăn tại chỗ mới ngon!". Và chị Phú cho biết thêm, trước đây quán chị chỉ bán buổi tối, nay quán chị Phú bán nguyên ngày để có thể kiếm đủ doanh thu như lúc bình thường.

Quán cơm của chị Hồng Phú đã chuẩn bị tươm tất chờ đón khách đến dùng tại chỗ

Khánh trần

Hôm nay, quán cơm của chị Hồng Phú cũng chỉ xếp một nửa số bàn ghế so với trước, phần vì để phòng dịch, giãn cách theo quy định, phần vì việc buôn bán sau dịch vẫn cũng còn chậm.

Ông Khánh chỉ kê 2 bàn bán hủ tiếu cho khách quen

ĐÀo nguyên

Ông Khánh, chủ quán hủ tiếu trên đường Nơ Trang Long (P.14, Q.Bình Thạnh), cho biết dù đã được bán tại chỗ nhưng ông vẫn còn khá e ngại trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Hiện tại quán của ông Khánh chỉ kê 2 bàn để phục vụ khách hàng có nhu cầu ăn tại chỗ, ngoài ra ông cũng ưu tiên bán tại chỗ cho người quen để giữ mối.

“Tôi mở bán lại từ khi được phép bán mang về, hôm nay cho bán tại chỗ thì cũng ưu tiên phục vụ tại chỗ cho người quen, mặc dù nhận khách ăn tại chỗ thì thu nhập sẽ đỡ hơn chỉ bán mang đi nhưng bây giờ giữ an toàn sức khoẻ vẫn hơn. Nếu khách lạ tới thì cũng hướng dẫn cho họ ngồi giãn cách để đảm bảo an toàn”, ông Khánh nói.

Nhiều quán vẫn dè dặt, chưa mở bán lại

Ghi nhận vào sáng cùng ngày, chúng tôi thấy một số hàng quán ở Q.Bình Tân vẫn còn đóng cửa, một số hàng quán, nhà hàng đang dọn vệ sinh, lau chùi dọn dẹp để chuẩn bị đón khách.

Một nhà hàng trên đường Vành Đai, Q.Bình Tân đang xịt khử khuẩn vệ sinh hàng quán, đồng thời lau chùi, dọn dẹp bên trong nhà hàng để chuẩn bị đón khách sau nhiều tháng tạm nghỉ vì dịch

Khánh trần

Một quán ăn trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân) vẫn đóng cửa khi TP.HCM cho phép hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ

Khánh trần

Nhà có con nhỏ chưa tiêm vắc xin nên ngại... bán tại chỗ!

Cũng trong sáng 28.10, theo ghi nhận của Thanh Niên, đa số hàng quán tại các tuyến đường thuộc P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã mở bán tại chỗ. Bà P.T.P., chủ quán bánh cuốn trên đường Chu Mạnh Trinh (P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức), cho biết dù đã nghe thông tin cho hàng quán bán tại chỗ nhưng chị P. vẫn còn do dự, quán chị vẫn chỉ bán mang về, chưa có dự định bán tại chỗ.

Bà P. cho biết, sắp tới, tiệm bánh cuốn của bà có thể vẫn bán mang về do nhà có con nhỏ chưa tiêm vắc xin nên bà sợ không an toàn

Song Mai

Bà P. chia sẻ, thành phố cho hàng quán phục vụ tại chỗ rất hợp lí, vì suốt 4 tháng nay giãn cách, các hộ kinh doanh không có thu nhập, thậm chí phải trả mặt bằng. "Tuy nhiên thành phố bình thường mới, nhưng dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Nhà tôi có trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin, nên tôi thấy lo, sợ khách ra vào ngồi ăn, tháo khẩu trang tiếp xúc nhiều, nên trước mắt tôi tiếp tục bán mang về", bà P. nói.

Quán ăn của chị Nga nhỏ hẹp, không thể đảm bảo quy tắc an htoàn chống dịch nên chị quyết định vẫn bán mang về

Song Mai

4 tiêu chí hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống

  • Tiêu chí 1: Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; bố trí khu vực giao - nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19; Trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn và thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm khô tay; Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc tại cơ sở có nguy cơ lây nhiễm. Cơ sở phải có đăng ký mà QR tại địa chỉ http://antoan- covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị số 18 ngày 30.9 của UBND TP.HCM.
  • Tiêu chí 2 áp dụng đối với khách hàng, khách hàng phải thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người); Phải quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và cơ sở.
  • Tiêu chí 3: Nhân viên phục vụ, ngưòi bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ (gọi tắt là người làm việc) cơ sở cũng phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K, quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế. Điều kiện của người làm việc tại cơ sở là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất một mũi sau 14 ngày. Cơ sở phải xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người làm việc có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở...
  • Tiêu chí 4: Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại cơ sở. Cụ thể, chủ cơ sở có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở trong cùng một thời điểm, phải có bảng thông báo rõ tại cơ sở và đảm bảo số lượng khách đến ăn uống tại cơ sở không được vượt quá số lượng công bố. Bên cạnh đó, chủ cơ sở phải báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát

Chị Võ Thị Thanh Nga (39 tuổi, ngụ P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức, chủ quán bánh canh cá lóc) cho biết chị biết tin hàng quán bán tại chỗ từ hôm qua (27.10) nhưng vẫn chưa cho khách ăn tại chỗ. Trước cửa quán chị Nga vẫn treo biển bán mang về, bố trí nước sát khuẩn.

"Mặt bằng tôi thuê ở đây nhỏ, nếu kê bàn ghế không được mấy bàn, mà khách ra vô lại đông đúc mình cũng sợ lắm. Tôi đang thuê và sửa chữa lại một mặt bằng khác rộng rãi hơn, để dọn qua đó rồi mới bán cho khách tại chỗ", chị Nga nói.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều qua 27.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ký văn bản cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ hôm nay (28.10) và phải đảm bảo các điều kiện hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.