TP.HCM: Chờ đơn đề nghị, chưa xếp hạng di tích cầu đường sắt Bình Lợi

07/06/2022 10:42 GMT+7

Sau hơn 2 năm kể từ khi cầu đường sắt Bình Lợi (TP.HCM) được tháo dỡ, dù có đủ điều kiện nhưng công trình này vẫn chưa được xếp hạng di tích vì chưa có đơn đề nghị.

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM vừa có văn bản trao đổi với Sở GTVT TP.HCM liên quan đến phương án bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi.

Cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào năm 1902. Cầu dài 276 m gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại; cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri-vê.

Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ TP.Thủ Đức sang Q.Bình Thạnh còn 1 tháp canh, trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948”.

Tàu hỏa qua lại cầu sắt Bình Lợi cũ hồi năm 2015.

ngọc thọ

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đánh giá cây cầu này có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM và ngành đường sắt Việt Nam, có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để xếp hạng di tích là phải có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích.

Đối chiếu với cầu đường sắt Bình Lợi, Sở Văn hóa - Thể thao cho biết việc xếp hạng di tích trước hết phải có đơn đề nghị từ Cục Đường sắt Việt Nam hoặc Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Trong trường hợp Bộ GTVT bàn giao về UBND TP.HCM thì phải có đơn đề nghị xếp hạng di tích của đơn vị được thành phố giao quản lý trực tiếp.

Ông lão kể kỷ niệm cứu người tự tử bên cầu sắt Bình Lợi trăm năm

Hồi tháng 5.2020, cầu đường sắt Bình Lợi được tháo dỡ, 2 nhịp cầu phía bờ TP.Thủ Đức được giữ lại để phục vụ công tác bảo tồn.

Hiện công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ được các đơn vị liên quan thống nhất đề xuất đưa công trình vào danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, việc ứng xử sẽ được áp dụng như đối với công trình đã xếp hạng di tích. Sở Văn hóa - Thể thao cho biết đơn vị sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích ngay sau khi có đơn đề nghị.

Hai phương án bảo tồn

Về việc tu bổ và phát huy giá trị công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM nêu 2 phương án.

Phương án 1 là tu bổ, phục hồi 2 nhịp cầu (vệ sinh cấu kiện, sơn chống rỉ sét, sơn phủ bề mặt, thay các thanh gối đường ray bị mục...) và tháp canh (tu bổ, phục dựng...) với khái toán kinh phí 12,7 tỉ đồng.

Dù phương án này thuận lợi về tính kịp thời, nhưng lại gặp khó khăn do chưa phù hợp với một số quy định hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công, tăng chi phí, không có đường dẫn, không có công trình phụ trợ...

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đề xuất 2 phương án bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi

khả hòa

Phương án 2 là bảo tồn tổng thể sau khi được bàn giao và xác định ranh. Điểm thuận lợi của phương án này là phù hợp với quy định hiện hành, lên được các phương án về đường dẫn, công trình phụ trợ, dự trù được kinh phí… và phát huy được giá trị công trình sau khi tu bổ, phục hồi. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian, kinh phí lớn hơn phương án 1.

Để phát huy giá trị công trình, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đề xuất phương án 2 là bảo tồn tổng thể công trình. Do đó, sở này đề nghị Sở GTVT tham mưu UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT sớm bàn giao công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ về cho thành phố quản lý.

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cũng đề nghị giao UBND TP.Thủ Đức là đơn vị quản lý trực tiếp để thuận lợi trong việc bảo vệ và phát huy giá trị cầu đường sắt Bình Lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.