TP.HCM chậm giải ngân kinh phí phòng chống dịch

30/06/2022 04:20 GMT+7

Sáng 29.6, Hội nghị sơ kết kinh tế - xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế có những bước phục hồi mạnh mẽ và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Từ mức giảm sâu nửa cuối năm 2021, tổng sản phẩm địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, trong đó quý 2 ước tăng 5,73%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỉ đồng, đạt 61,7% dự toán năm.

Dù vậy, kinh tế vẫn phải đối mặt với điểm nghẽn về vốn đầu tư công khi tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước. Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nhận xét kinh tế TP trong 6 tháng đầu năm vẫn còn một số khó khăn. Đó là giá cả nguyên liệu, nhiên liệu tăng ảnh hưởng đà phục hồi của doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng; đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra; chỉ số cải cách hành chính của TP còn thấp, vào nhóm B và bị tụt hạng; khả năng hấp thụ vốn của DN còn thấp do vướng mắc nhiều chính sách chưa được tháo dỡ. Đặc biệt, môi trường đầu tư của TP chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của DN trên địa bàn.

TP.HCM chậm hoàn thành giải ngân hỗ trợ F0

Song Mai

Nhiều khoản chi hỗ trợ cũng chậm được triển khai. Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết UBND TP.HCM giao Sở có trách nhiệm tặng giấy khen 40.000 nhân viên y tế, tình nguyện viên trên cả nước hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng đến nay không có kinh phí. Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, kiến nghị Sở Tài chính và UBND TP.HCM sớm bố trí ngân sách để hoàn tất nhiệm vụ chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là gói hỗ trợ F0 và tiền thuê nhà. Tại TP.Thủ Đức, một số gói thầu lắp đặt các bệnh viện dã chiến cũng chưa được quyết toán, phải tạm ứng từ cải cách tiền lương. Tương tự, Chủ tịch UBND Q.1 Lê Đức Thanh cũng kiến nghị UBND TP.HCM cấp bổ sung hơn 200 tỉ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ, gồm 2.255 trường hợp mất việc theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, gần 41.000 trường hợp theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ, và chi hỗ trợ tiền ăn cho các trường hợp là F0, F1. Các trường hợp này đã được kiểm tra, thẩm định hồ sơ và ban hành các quyết định chi trả nhưng do UBND Q.1 chưa được cấp kinh phí nên người dân và các đơn vị đang thắc mắc, chất vấn và yêu cầu sớm giải quyết.

Báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm, UBND TP.HCM cho biết, trong 6 tháng, toàn TP có 20.523 DN được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 253.888 tỉ đồng, tăng hơn 12% về số lượng nhưng giảm hơn 18% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong nửa năm, có đến 14.461 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 44,38% so với cùng kỳ; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 1.935 DN, giảm 23,64% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động trong 6 tháng đầu năm tại TP.HCM vẫn khá cao, hơn 16.000 DN.

Ng.Nga

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, đảm bảo thu chi ngân sách. Về đề án chuyển các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM, ông Mãi đánh giá đây là vấn đề có lộ trình dài hạn chứ không phải năm 2022 bàn bạc thì năm sau các huyện sẽ lên quận hoặc thành phố, đồng thời nhấn mạnh: “Đề án đang xây dựng, đừng để chưa chuyển huyện lên quận hoặc thành phố thì giá đất đã bị đẩy quá cao”. Về đầu tư công, ông Mãi yêu cầu từng dự án phải xác định tiến độ, có sự kiểm tra, giám sát thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc để tăng tỷ lệ giải ngân. Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM cũng sẽ rà soát các dự án lớn chưa triển khai như khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, chỉnh trang nhà ở ven kênh rạch…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.