Toshiba tự phân chia thành 3 công ty để tối đa lợi nhuận

09/11/2021 16:23 GMT+7

Toshiba sẽ tự chia thành ba công ty để tập trung vào cơ sở hạ tầng, thiết bị và bộ nhớ bán dẫn vào đầu năm 2023.

Theo Nikkei, Toshiba hôm 8.11 xác nhận việc chia tách là lựa chọn trong kế hoạch kinh doanh trung hạn. Nó là một phần trong chiến lược của tập đoàn công nghệ Nhật Bản nhằm tăng cường giá trị cổ đông, bằng cách tạo ra các công ty độc lập có cấu trúc lợi nhuận và chiến lược tăng trưởng khác nhau. Cả ba công ty dự kiến đều sẽ được niêm yết công khai, có thể trong khoảng hai năm.

Các công ty điện tử Nhật Bản, với nhiều lĩnh vực kinh doanh từ trạm điện đến thiết bị gia dụng, là động lực tăng trưởng cho đất nước. Toshiba đã từng là ngôi sao trong số những công ty đó, và động thái như thế này của một hãng công nghệ nổi tiếng là chưa từng có ở quốc gia Đông Á. Trong thời gian qua, Toshiba đã phải chịu điều gọi là chiết khấu kết tụ (conglomerate discount), tình huống mà ở đó các nhà đầu tư đánh giá một nhóm doanh nghiệp và tài sản đa dạng ở mức thấp hơn tổng các bộ phận của nó, do có mức độ rủi ro cao hơn và hiệu quả sử dụng vốn giảm.

Chiến lược của Toshiba nhằm tăng cường giá trị cổ đông và tối đa lợi nhuận

chụp màn hình

Toshiba có lợi thế trong nhiều lĩnh vực, từ vận hành các nhà máy nhiệt điện, hạt nhân và hệ thống giao thông cho đến sản xuất thang máy, máy điều hòa không khí, ổ đĩa cứng và chất bán dẫn. Tập đoàn nổi tiếng này đã ghi nhận tổng doanh thu thuần là 3.050 tỉ yên (khoảng 26,9 tỉ USD) cho năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3.2021, mỗi mảng trong số sáu mảng chính của công ty mang lại doanh thu khoảng 200 đến 800 tỉ yên.

Theo kế hoạch mới, các nhà máy điện của Toshiba và các cơ sở kinh doanh cơ sở hạ tầng khác sẽ được đặt dưới quyền một công ty. Các thiết bị không phân biệt bao gồm cả ổ cứng thuộc một công ty khác. Mảng kinh doanh bán dẫn dự kiến ​​sẽ trở thành công ty thứ ba trực thuộc Kioxia Holdings, trong đó Toshiba có khoảng 40% cổ phần.

Việc chia thành các công ty riêng biệt sẽ cung cấp cho cổ đông và nhà đầu tư cái nhìn rõ ràng hơn về những lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Việc chia tách cũng có thể đẩy nhanh quá trình ra quyết định, cho phép mỗi hoạt động kinh doanh huy động vốn mới hoặc theo đuổi thương vụ mua lại và thoái vốn nhanh chóng khi có nhu cầu. Toshiba đã trao quyền đưa ra quyết định quan trọng cho các bộ phận trong tập đoàn theo hệ thống công ty hiện tại, được thông qua vào năm 1999. Tuy nhiên, việc chia tách hoàn toàn một tập đoàn lớn, bao gồm 296 công ty con và 117.300 nhân viên theo số liệu vào cuối tháng 3.2021, có thể sẽ đặt ra một thách thức đáng kể về hậu cần.

Được biết, các công ty ở Mỹ đã áp dụng chiến lược tương tự trong nhiều năm để chống lại việc giảm giá trị tập đoàn. Năm 2015, Hewlett-Packard tách thành Hewlett Packard Enterprise phụ trách các dịch vụ của công ty, và HP phụ trách máy tính cá nhân, máy in cùng các dịch vụ liên quan. Họ có tổng vốn hóa thị trường là 55 tỉ USD vào cuối tháng 10.2021, tăng so với khoảng 45 tỉ USD trước khi tách ra.

Song, không phải lúc nào chiến lược này cũng được đền đáp. Năm 2019, hãng hóa chất khổng lồ DowDuPont tách ra thành ba công ty để đáp ứng nhu cầu cổ đông. Giá trị vốn hóa thị trường của họ đạt khoảng 110 tỉ USD vào cuối tháng trước, giảm so với mức 120 tỉ USD trước khi tách ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.