Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh trục xuất đại sứ 10 nước phương Tây

24/10/2021 08:57 GMT+7

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 23.10 ra lệnh trục xuất đại sứ 10 nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Đức , sau khi họ ra tuyên bố chung kêu gọi thả một lãnh đạo xã hội dân sự.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

reuters

AFP đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 23.10 tuyên bố ông đã ra lệnh trục xuất đại sứ 10 nước phương Tây.

“Tôi đã yêu cầu bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố các đại sứ này là persona non grata (tức người không được hoan nghênh) càng sớm càng tốt”, ông Erdogan phát biểu. Đây là bước đầu tiên trong quy trình trục xuất một nhà ngoại giao.

Động thái này được thực hiện 5 ngày sau khi đại sứ 10 nước phương Tây tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 18.10 đăng tải tuyên bố chung trên mạng xã hội yêu cầu thả nhà hoạt động và nhà từ thiện Osman Kavala (64 tuổi). Ông Kavala đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ từ năm 2017 nhưng chưa bị kết án.

Đại sứ các nước Mỹ, Đức, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi có "giải pháp công bằng và nhanh chóng đối với vụ việc của ông Kavala".

Ông Kavala phải đối mặt với một loạt các cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và một cuộc đảo chính quân sự thất bại vào năm 2016.

Vẫn chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có định trục xuất các đại sứ này ngay lập tức hay không. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu vào cuối ngày 23.10 cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ Ankara.

Ông Erdogan và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xem tuyên bố chung của các đại sứ là hành động can thiệp không thể dung thứ vào công việc nội bộ của nước này. Tuy nhiên, The Washington Post dẫn lời ông Soner Cagaptay, nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ và là tác giả của 2 cuốn sách về ông Erdogan, cho biết các cố vấn của tổng thống đã khuyên không nên trục xuất các đại sứ phương Tây.

Việc ông Erdogan tuyên bố trục xuất đại sứ các nước, trong đó có một số đồng minh NATO, cũng đe dọa làm tổn hại thêm những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế và ổn định nội tệ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã theo đuổi chiến lược này bằng cách cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu.

Bất chấp Mỹ cấm vận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga

Một nhà lãnh đạo đối lập Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những tuyên bố của ông Erdogan nhằm đánh lạc hướng khỏi các vấn đề kinh tế, bao gồm cả việc đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm giá mạnh. “Những hành động này không phải để bảo vệ lợi ích quốc gia, mà là tạo ra những lý do bào chữa cho việc nền kinh tế bị ông ấy phá hủy”, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập Kemal Kilicdaroglu viết trên Twitter.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.