Tổng thống Sri Lanka cảnh báo âm mưu chia rẽ sắc tộc, tôn giáo

Khánh An
Khánh An
11/05/2022 16:17 GMT+7

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa kêu gọi người dân cùng vượt qua khó khăn và bác bỏ âm mưu gây chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo, sau biểu tình dẫn đến xung đột đẫm máu.

Người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Colombo của Sri Lanka vào ngày 10.5

afp

Hãng Reuters ngày 11.5 dẫn lời Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa kêu gọi người dân bác bỏ những âm mưu gây bất hòa về sắc tộc và tôn giáo, trong bối cảnh đụng độ xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước giữa khủng hoảng kinh tế.

Biểu tình dẫn đến bạo lực khiến 8 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương hôm 9.5 và khiến Thủ tướng Mahinda Rajapaksa từ chức. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm chưa khiến tình hình lắng dịu trở lại.

Chính phủ đã ra lệnh cho các binh sĩ có quyền nổ súng vào bất cứ ai gây thiệt hại đến tài sản công hoặc đe dọa tính mạng người khác. Chính phủ còn cho phép quân đội, cảnh sát có thể bắt giữ người và thẩm vấn mà không cần lệnh bắt.

Nhiều người dân chỉ trích chính phủ Sri Lanka về khủng hoảng kinh tế khiến quốc gia Nam Á này chỉ còn khoảng 50 triệu USD dự trữ, khiến việc nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu.

Nhiều người biểu tình phản đối chính phủ, trong khi những người ủng hộ chính phủ hôm 9.5 xông vào một địa điểm biểu tình quan trọng ở Colombo, tấn công những người biểu tình.

“Đây là lúc mọi người Sri Lanka cần chung tay vượt qua các thách thức kinh tế, xã hội và chính trị. Tôi kêu gọi mọi người bác bỏ mọi nỗ lực lật đổ bằng cách đẩy các bạn đến bất hòa về sắc tộc và tôn giáo. Phát huy sự ôn hòa, khoan dung và cùng tồn tại là điều sống còn”, Tổng thống Rajapaksa kêu gọi.

Chưa rõ vì sao ông đưa ra cảnh báo trên, trong khi lịch sử Sri Lanka từng xảy ra những căng thẳng sắc tộc.

Hai anh em nhà Rajapaksa đã giữ những chức vụ then chốt trong chính phủ sau khi nội chiến 26 năm chấm dứt vào năm 2009, khi lực lượng an ninh chiến thắng nhóm nổi dậy từ cộng đồng Tamil thiểu số. Phật giáo Sri Lanka chiếm đa số tại quốc gia 22 triệu dân, bên cạnh đạo Hồi, đạo Hindu và Công giáo.

Sri Lanka đã tìm cách vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau khi nhận hỗ trợ tài chính và những hỗ trợ khác từ láng giềng Ấn Độ cũng như từ Trung Quốc.

Bộ Tài chính Sri Lanka hôm 12.4 đã tuyên bố vỡ nợ và thông báo với các chủ nợ nước ngoài rằng họ có quyền vốn hóa chi phí lãi vay (cộng tiền lãi vào khoản vay chính) hoặc chọn phương án được hoàn vốn bằng đồng rupee Sri Lanka, theo AFP.

Quốc gia Ấn Độ Dương này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên khi mắc khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD, trong đó ước tính 7 tỉ USD đáo hạn trong năm nay.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ ngành du lịch, cộng với chính sách giảm thuế trước đó khiến nguồn thu nhà nước bị thâm hụt.

Lượng dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 3 giảm mạnh, khiến chính phủ tạm ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng trong khi người dân thiếu thốn đủ thứ từ nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men. Tình trạng cúp điện tại nhiều nơi ở Sri Lanka kéo dài đến 13 giờ mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.