Tổng thống Biden 'siết' công nghệ Trung Quốc còn hơn cả ông Trump

11/06/2021 10:45 GMT+7

Lệnh cấm mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể khiến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc điêu đứng, đồng thời củng cố luật do người tiền nhiệm Donald Trump ban hành.

Khi ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đương kim Tổng thống Donald Trump, không ít chuyên gia đã tin vào một tín hiệu tốt cho nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei, ZTE… đang chật vật với lệnh cấm thương mại từ Mỹ. Nhưng thực tế lại đang đi ngược lại các dự đoán khi Tổng thống Biden ngày càng có thái độ cương quyết trong các chính sách liên quan tới doanh nghiệp công nghệ đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Vào thời điểm tròn 100 ngày ngồi ghế ông chủ Nhà Trắng, ông Biden tuyên bố muốn Mỹ bỏ xa Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó công nghệ sẽ là mặt trận và là trung tâm. Các chính sách của ông sẽ tiếp tục theo đường lối dưới “thời đại” của cựu Tổng thống Donald Trump nhưng bổ sung một số yếu tố mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời gì khi bị hỏi về UFO?

Trong khi ông Donald Trump hướng tới việc đảm bảo an ninh quốc gia, hạn chế tối đa sự can thiệp của doanh nghiệp và công nghệ từ Trung Quốc, không trao cơ hội cho họ trong các lĩnh vực trọng yếu, thì Joe Biden đang đi xa hơn vậy. Ngoài việc giữ nguyên quy định từ thời người tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Mỹ còn tiến hành chính sách nhắm tới việc thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Mỹ.
“Chính quyền Trump có xu hướng tập trung vào các biện pháp phòng vệ, còn những thông điệp từ Biden cho thấy nội các mới sẽ vừa thực thi phòng vệ ở mức cao hơn, vừa trở nên chủ động hơn, ví dụ như đầu tư vào các giải pháp thay thế Trung Quốc”, Emily de La Bruyere - đồng sáng lập công ty tư vấn Horizon Advisory phân tích.
Tuần trước, người đứng đầu nước Mỹ vừa ban hành lệnh cấm đầu tư đối với một số doanh nghiệp Trung Quốc, tương tự nhưng phạm vi áp dụng rộng hơn so với lệnh do ông Donald Trump ký khi tại nhiệm. Cùng với đó là quy chuẩn đánh giá thấp hơn trước, mở đường cho việc nối dài danh sách đen chứa tên các công ty Trung Quốc dễ dàng về sau.

Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn của thế giới nhưng kém hòa thuận vài năm gần đây

Ảnh: Reuters

Đó chỉ là một trong số loạt bước đi mà chính quyền ông Biden tiến hành để đối đầu với Trung Quốc. Ngoài ra, Washington cũng đẩy mạnh tìm kiếm và củng cố đồng minh, theo đuổi chiến lược đầu tư quốc nội nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, bất chấp mối quan hệ ngày càng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Lệnh hành pháp mới bao trùm hơn về quy mô và doanh nghiệp dễ bị liệt vào danh sách do tiêu chuẩn thấp hơn trước”, luật sư Kevin Wolf - một cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ đánh giá.
Một quan chức cấp cao Mỹ xác nhận lệnh mới mở rộng phạm vi của lệnh cấm trước đây do chính quyền Donald Trump ban hành - từng gây tranh cãi vì được soạn thảo thiếu cẩn trọng, có thể bị kiện ngược ra tòa (và thực tế đã chứng minh điều này).
Theo đó, ông Biden cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty “đang hoặc từng hoạt động” trong lĩnh vực quốc phòng, vật liệu liên quan, công nghệ giám sát của Trung Quốc. Các công ty được sở hữu hoặc kiểm soát bởi người có liên quan tới nhóm lĩnh vực được liệt kê trên cũng nằm trong danh sách cấm.
Lệnh cấm của ông Trump chỉ áp dụng với các công ty quân đội Trung Quốc (được xác định trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng) và cần phải xem xét lại sau khi 3 công ty Trung Quốc đâm đơn kiện ra tòa chống lại lệnh. Hai trong số đó thắng kiện, trường hợp thứ ba vẫn chưa có phán quyết.
Wendy Wysong - một luật sư tại Hồng Kông được nhiều công ty Trung Quốc thuê để kháng nghị lệnh cấm của ông Trump đang áp lên họ đánh giá danh sách của ông Biden sẽ “khó khăn hơn”.
“Có thể thêm rất nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh hành pháp từ ông Biden, phụ thuộc việc chính quyền Mỹ muốn bao nhiêu. Về lý thuyết thì danh sách có thể kéo dài ra vô tận”, chuyên gia Bil Reinsch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) chia sẻ với Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.