Tổng thống Biden ra điều kiện nói chuyện với Tổng thống Putin

Văn Khoa
Văn Khoa
02/12/2022 08:17 GMT+7

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã thể hiện một mặt trận thống nhất về Ukraine, và nhà lãnh đạo Mỹ đã nêu điều kiện đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin .

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 1.12

Reuters

Tổng thống Biden đã từ chối nói chuyện với Tổng thống Putin kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, trong khi Tổng thống Macron vẫn duy trì các đường dây liên lạc với nhà lãnh đạo Nga, theo Reuters.

“Tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Putin nếu trên thực tế có sự quan tâm đến việc ông ấy quyết định tìm cách chấm dứt cuộc chiến. Ông ấy vẫn chưa làm điều đó”, Ông Biden nói trong một cuộc họp báo với ông Macron tại Nhà Trắng ngày 1.12 (theo giờ Mỹ).

Tổng thống Biden nói sẵn sàng liên lạc nếu Tổng thống Putin thực tâm muốn chấm dứt xung đột

Tuy nhiên, ông Biden nói rằng ông sẽ chỉ đối thoại với ông Putin với sự tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh NATO và sẽ không làm điều gì gây tổn hại đến lợi ích của Ukraine. “Tôi sẽ không làm điều đó một mình”, ông Biden nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết ông sẽ tiếp tục nói chuyện với Tổng thống Putin nhằm “cố gắng ngăn chặn leo thang và đạt được một số kết quả rất cụ thể” như sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.

Ngoài việc cam kết ủng hộ Ukraine, hai nhà lãnh đạo còn tìm cách xoa dịu một số căng thẳng về kinh tế trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp cho biết họ cam kết buộc Nga chịu trách nhiệm “về những hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh đã được ghi nhận rộng rãi, mà do cả lực lượng vũ trang chính quy lẫn các lực lượng ủy nhiệm của họ gây ra” ở Ukraine.

Cũng trong ngày 1.12, các bộ trưởng NATO đã gặp nhau tại thủ đô Bucharest (Romania) và cam kết viện trợ nhiều hơn cho Ukraine để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa đông đến, theo Reuters.

Tổng thống Pháp Macron đến Mỹ trong chuyến thăm quan trọng, căng thẳng song phương vẫn còn

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với những tuyên bố trên. Trước đó, trên chương trình của kênh Rossiya-1 ngày 30.10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Nga và Mỹ chỉ có thể diễn ra nếu Mỹ chú ý đến những lo ngại của Nga.

“Đối thoại còn tùy thuộc vào việc Mỹ có muốn quay lại vào tháng 12 năm nay hoặc tháng 1 sang năm và đặt câu hỏi: điều mà người Nga đề nghị có thể không vừa lòng tất cả chúng ta nhưng liệu chúng ta có nên ngồi xuống bàn đàm phán với họ?”, ông Peskov nói.

Đề nghị mà ông Peskov nhắc đến là những văn kiện dự thảo về những cam kết an ninh mà Nga đã gửi cho NATO và Mỹ trước khi xung đột Ukraine bùng phát vào ngày 24.2.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự ngày 280, Nga-Ukraine tính 'tất tay' ở Bakhmut?

Xem thêm các diễn biến liên quan chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.